Nhiều mô hình HTX do hội viên nông dân làm Giám đốc đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường và xuất khẩu.
Hiệu quả từ mô hình HTX điểm
HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) là mô hình điển hình của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận hướng dẫn, hỗ trợ. Năm 2023, HTX Thanh long Thuận Tiến được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.
Ông Trần Đình Trung - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: HTX được thành lập vào tháng 10/2016. Ngay từ khi bắt tay vào trồng thanh long, HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, thanh long làm ra đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước của đối tác đặt hàng. Từ 30ha ban đầu, đến nay HTX Thanh long Thuận Tiến có trên hơn 70ha và cũng là đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bình Thuận.
Dây chuyền đóng gói thanh long tại HTX Thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: P.V
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 10 mô hình kinh tế hợp tác, trong đó có 8 tổ hợp tác, 2 HTX.
Theo ông Trung, hàng năm các thành viên của HTX Thanh long Thuận Tiến đều thay phiên nhau để tất cả được tham gia nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về kỹ năng chăm sóc, xử lý, thu hoạch, bảo quản cây và trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
"Hiện nay, mỗi năm HTX thanh long Thuận Tiến thu mua khoảng 300 tấn thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu sang trường khó tính là châu Âu, Úc, Mỹ. Bên cạnh việc thu mua, HTX cũng tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng từ 15 - 20 lao động nhàn rỗi thực hiện sơ chế, đóng gói thanh long. Trung bình lương của mỗi lao động thời vụ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng"- ông Trung nói.
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong hệ thống Hội các cấp trong tỉnh, đồng thời phối hợp các ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn nhằm xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Đặc biệt, công tác tạo vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất luôn được các cấp hội quan tâm. Theo đó, thông qua hoạt động ủy thác và tín chấp của Hội Nông dân với ngân hàng có dư nợ cho vay đạt 4.003 tỷ đồng/53.875 lượt hộ vay. Đối với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện nay có tổng dư nợ đạt gần 39 tỷ đồng, cho 1.951 hộ vay/322 dự án.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân
Ông Nguyễn Phú Hoàng (thứ 2 từ phải) – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận giới thiệu mô hình trồng thanh long xuất khẩu với đoàn công tác Hội Nông dân TP.Hà Nội. Ảnh: H.N.D
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 10 mô hình kinh tế hợp tác, trong đó có 8 tổ hợp tác, 2 HTX. Đến nay đã có 509 mô hình kinh tế hợp tác do Hội trực tiếp hướng dẫn, thành lập (75 HTX, 434 tổ hợp tác).
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, các mô hình HTX, THT do hội viên nông dân làm chủ đã có chuyển biến cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác là đa ngành nghề, thích ứng với cơ chế thị trường.
Đặc biệt, một số HTX mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường và xuất khẩu. Điển hình như mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ tại HTX nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau Tiến Phát (xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh); HTX thanh long Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến thành công rượu vang từ trái thanh long…
Để tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch thực hiện đề án của Hội Nông dân tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 10 HTX, 30 tổ hợp tác trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Thu hút thêm 5% số hộ hội viên, nông dân toàn tỉnh tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 10% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, tổ hợp tác nông nghiệp.
Bên cạnh đó, có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Để có thể hoàn thành mục tiêu trên, Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích сực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" đến toàn hội. Đồng thời, xây dựng quy trình hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ thành lập một số mô hình HTX nông nghiệp làm hình mẫu để cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận