Nhiều người bị lừa qua mạng, mất hàng tỷ đồng

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều hình thức giả mạo, lừa đảo trực tuyến lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác của người dùng liên tục xuất hiện, gây cảm giác bất an, lo lắng cho nhiều người. Một số trường hợp đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo.

Tin vào "việc nhẹ lương cao", người phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 750 triệu đồng

Chị H. (sinh năm 1986 trú tại Ba Vì, Hà Nội) lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm và thấy một tài khoản đăng bài viết có nội dung "việc nhẹ lương cao", chị đã liên hệ để trao đổi và được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo.

Sau khi bị đối tượng lôi kéo, chị H. đã đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh thì tài khoản báo nhận được 3,2 tỷ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn chị phải đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra. Đến ngày 17/3/2024, chị H. đã chuyển tổng cộng hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng nhưng không nhận được số tiền trên sàn. Lúc này chị mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Nhiều người bị lừa qua mạng, mất hàng tỷ đồng  第1张

Người dân nên cảnh giác trước những lời mời mọc "việc nhẹ lương cao" (Ảnh: Freepik).

Cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, công dân bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng

Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, anh D. (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), vào đầu tháng 3/2024, anh nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ công an quận Long Biên hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang ở xa nên anh D. hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết.

Lúc này, đối tượng nói rằng cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Vì thấy phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến nên anh D. tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau khi thực hiện các thao tác, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Lừa đảo đọc sách mỗi ngày để nhận lương

Mới đây, 1980Books thông tin đã bị một nhóm đối tượng giả mạo tên, thông tin để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội. Những người quan tâm sẽ được gửi những hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu (giả) của 1980Books. Sau đó, nạn nhân bị thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram, thực hiện nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày để nhận lương.

Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Khi số tiền lớn, hệ thống báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau đó tiền không bao giờ được hoàn lại.

Nhiều người bị lừa qua mạng, mất hàng tỷ đồng  第2张

1980Books cảnh báo về việc bị làm giả hợp đồng, con dấu, chữ ký (Ảnh: 1980Books).

Phòng tránh lừa đảo trực tuyến

Trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, bảo hiểm VietinBank đã nghiên cứu và ra mắt sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng Cyber Risk như một giải pháp nhằm san sẻ rủi ro, giảm thiểu tổn thất cho người dùng trong trường hợp không may.

Bảo hiểm an ninh mạng Cyber Risk bảo vệ khách hàng trước các hình thức tấn công, gian lận chuyển tiền phổ biến như: giả mạo website các tổ chức tài chính để lừa khách hàng cung cấp thông tin tài khoản; liên lạc điện tử giả mạo; sử dụng các phần mềm độc hại nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân; giả danh cơ quan chức năng.

Nhiều người bị lừa qua mạng, mất hàng tỷ đồng  第3张

Bảo hiểm an ninh mạng giúp người dùng an tâm hơn khi giao dịch trực tuyến.

Với mức phí 3.000 đồng/tháng, sản phẩm được đánh giá phù hợp cho nhiều đối tượng người sử dụng, đặc biệt là những người dễ bị tấn công do ít hiểu biết và nhẹ dạ cả tin như người lao động phổ thông, người cao tuổi. Người dùng có thể dễ dàng đăng ký gói bảo hiểm an ninh mạng khi thực hiện giao dịch trên ứng dụng iPay của VietinBank.

Các chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới các cơ quan Nhà nước; không bấm vào các đường link lạ nhận được qua tin nhắn, email; không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk; không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.

Người dân cũng được khuyến cáo không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng khi có yêu cầu khai báo thông tin qua điện thoại, email, người lạ, đặc biệt là những giao dịch chuyển tiền; không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo; không dùng một địa chỉ email cho nhiều dịch vụ Internet; thường xuyên thay đổi mật khẩu email đủ mạnh, không để mật khẩu mặc định; cài đặt bảo mật hai lớp cho email để xác thực bằng điện thoại.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.