Những ngọn đồi bị "cạo trọc" trước mùa mưa: Chính quyền thừa nhận bất cập
(Dân trí) - Kiểm lâm và chính quyền xã ở Hà Tĩnh thừa nhận tình trạng khai thác keo ồ ạt dẫn đến những bất cập, song các cơ quan này đều kêu khó trong việc hướng dẫn, vận động người dân thay đổi cách làm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Đình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh), thừa nhận tại địa phương này đang diễn ra tình trạng khai thác "trắng" nhiều đồi keo.
Theo ông Long, địa phương có hơn 13.000ha rừng, trong đó hơn 1.600ha đất rừng sản xuất giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ. Người dân lựa chọn trồng cây keo để phát triển kinh tế, chu kỳ khai thác khi cây 5-8 năm tuổi, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình.
Đồi núi xã Phú Gia trơ trọi trước mùa mưa lũ (Ảnh: Dương Nguyên).Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 26 ngày 30/12/2022 về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Thông tư số 22 ngày 15/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Theo quy định này, khi khai thác gỗ rừng trồng, các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư phải xây dựng hồ sơ (phương án khai thác, các quyết định liên quan đến thực hiện các biện pháp lâm sinh...), gửi cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra, phê duyệt, giám sát...
Tuy nhiên, vị lãnh đạo địa phương thừa nhận quy định nêu trên chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến việc người dân khai thác ồ ạt, "trắng" rừng.
"Người dân không xây dựng hồ sơ, kế hoạch khai thác vì nghĩ rằng khi được giao đất thì được trồng, đến kỳ thu hoạch được khai thác. Họ chưa nghĩ sâu xa đến việc khai thác làm sao để đảm bảo bền vững", ông Long nói.
Phó Chủ tịch xã Phú Gia cũng nêu bất cập khi khai thác "trắng" có thể sẽ dẫn đến nguy cơ về môi trường như xói lở, rửa trôi.
Về trách nhiệm quản lý, hướng dẫn cho người dân của địa phương, ông Long cho rằng quy định hiện hành chưa cụ thể, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Người dân khai thác keo ồ ạt (Ảnh: Dương Nguyên)."Phải xây dựng được kế hoạch cụ thể từ Trung ương, đến tỉnh rồi địa phương mới làm được đồng bộ, chứ riêng xã Phú Gia không thể làm được", ông Long nói.
Ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, lại cho rằng theo quy định hiện hành về việc khai thác rừng trồng, rừng keo, người dân tự bỏ vốn ra, họ có quyền khai thác, cơ quan này không thể can thiệp.
Ông phân tích, rừng trồng keo mang lại giá trị lớn, trồng và khai thác dễ dàng. Đến ngày khai thác chỉ cần thông báo với địa phương, sau đó thủ tục khai thác lập bảng kê theo mẫu, bởi rừng đã giao cho dân, họ muốn khai thác thế nào thì khai thác.
Việc người dân khai thác "trắng" đồi ở vị trí hồ chứa nước Đập Họ, ông Hào thừa nhận "bằng trực quan thì thấy bất cập, nhưng vì thực hiện theo quy định, để hạn chế chỉ có cách tuyên truyền, vận động".
Những cánh rừng trồng keo đã khai thác nằm ở vị trí thượng nguồn hồ chứa nước Đập Họ, thuộc xã Hương Long, huyện Hương Khê (Ảnh: Dương Nguyên).Trước lo ngại việc đồng loạt trồng và khai thác keo ảnh hưởng đến môi trường, ông Hào cho rằng nếu có một loại cây khác trồng thay thế được cây keo mới bớt lo ngại, còn hiện nay cây keo mang lại kinh tế, được phủ xanh trên khắp cả nước.
"Vấn đề này chỉ mới dừng ở mức độ phản ánh, chưa có giải pháp. Như người dân hiện nay, khi nào keo lên giá họ khai thác nhiều", ông Hào nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác keo tràm toàn huyện là 22.800m3 với diện tích 1.187ha, tuy nhiên, số diện tích trồng mới chỉ đạt 250ha.
Như Dân trí phản ánh, thời gian qua, những ngọn đồi với hàng chục hecta trồng keo tràm thuộc xã Phú Gia (Hương Khê) được người dân khai thác đồng loạt.
Việc khai thác tự do, thiếu tính toán khiến những cánh rừng đang phủ một màu xanh bỗng bị "cạo trọc" trơ trọi. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về biến động độ che phủ rừng, biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, tụt mạch nước ngầm.
Đáng chú ý, những cánh rừng trồng keo đã khai thác nằm ở vị trí thượng nguồn hồ chứa nước Đập Họ, thuộc xã Hương Long, huyện Hương Khê.
Đăng thảo luận