Đang lo công việc ở Đức, nghe tin bão lũ, chị Kiều Thị Hồng Vân (thường gọi nàng Mây, 35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) lên các cộng đồng tình nguyện viên Việt Nam trên mạng xã hội để kết nối.

Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún  第1张

Chị Kiều Thị Hồng Vân (nàng Mây) thăm các em ở điểm trường thuộc thôn Lũng Cắm (xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: NVCC

Đã có kinh nghiệm, chị lên hội nhóm tìm những người có kỹ năng cứu hộ cứu nạn, bơi giỏi, biết lái thuyền, lái xe tải, thậm chí trong đoàn có bác sĩ. Sau khi chị Mây về Việt Nam, chị và những người bạn tình nguyện đã lên đường ra Bắc sáng 11-9.

Trước đó một ngày, chị kêu gọi trên trang cá nhân để người thân quen cùng chung tay. "Tài khoản cá nhân Mây đang có số tiền bên dưới (19 triệu đồng) sẽ ủng hộ toàn bộ vào dự án cứu trợ lần này. Sẽ góp vào thêm khi kiếm được thêm tiền. Biết ơn tất cả mọi sự ủng hộ, dù là 1.000 đồng".

Thương các em nhỏ đi học lại sau lũ

  • Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún  第2张

    Hơn 9.000 học sinh ở Hà Tĩnh phải nghỉ học do mưa lũĐỌC NGAY

Trong âm thanh chập chờn do sóng yếu trên xã vùng núi Huy Giáp (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng), chị Mây chia sẻ nhóm của chị đã đi một số nơi ở Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai và qua Cao Bằng. Những nơi đến, nhóm chị liên hệ phối hợp chính quyền địa phương để biết người dân cần gì. Tặng xong, chị đăng thông tin để mọi người biết.

Ở Cao Bằng, khi đến điểm trường Lũng Cắm của xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, nhóm chị xúc động khi nghe tiếng trống trường vang lên sau những ngày bão lũ. Hai lớp học thưa thớt vì nhiều em chưa thể đến trường.

Mỗi ngày vượt 8 - 9km đường núi đi học nhưng có em trong cặp chỉ có gói mì nát nhũn, chai nước và hai trái chuối làm bữa trưa. Có em đem cơm trắng bỏ vào túi ni lông. "Chúng tôi hỏi cô giáo xem các con cần gì nhất lúc này. Cô nói nếu có thể thì xin một chiếc ti vi màu cho các em xem hình ảnh, xem video, tiếp xúc thế giới bên ngoài, vì cả làng chắc chỉ có 1 - 2 cái ti vi", chị Mây xúc động.

Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún  第3张

Nhóm của chị Kiều Thị Hồng Vân (nàng Mây) cùng bà con địa phương nấu bún bò cho các em nhỏ ở điểm trường thôn Lũng Cắm (xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: NVCC

Sáng 18-9, nhóm chị nấu bún bò cho 70 em. Giữa cảnh thiên tai, việc mua nguyên liệu khó, họ dùng bún khô luộc qua nước sôi, nhờ bà con góp củi, cho mượn nồi, chén đũa... Trên những bộ bàn ghế nhỏ, các em hồn nhiên ngồi ăn, có em ăn hai tô.

Chị Mây chia sẻ: "Một bữa ăn chẳng đáng là bao nhưng là niềm động viên tinh thần cho các em, cũng là chút kỷ niệm để các em nhớ về. Mong các em chăm ngoan, học tập tốt".

Cũng trong đợt này, nhóm chị Mây đi cùng cán bộ địa phương khảo sát hai căn nhà sập hoàn toàn ở xóm Bản Ngà, xã Huy Giáp, hỗ trợ mỗi nhà 50 triệu đồng từ tiền các nhà hảo tâm đóng góp. Chị kể: "Nhà chỉ còn một phần bên hông, chênh vênh trên vách núi. Người dân cho biết may mắn chạy được người, chỉ cứu được 15 bao bắp ngô, chuồng gà, lợn...".

Buổi tối, nhóm chị ngủ nhờ ở hội trường thôn. Lúc ở Lào Cai, nhóm ngủ võng ở quán cà phê. Họ tắm nhờ nhà dân, gặp gì ăn nấy, đa số là mì gói.

Giúp bằng những thứ mình có

Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún  第4张

Anh Huy dùng tiền chạy xe cả ngày của mình mua ba thùng mì đem tới điểm tiếp nhận của vợ chồng ông Nguyễn Minh Chiến đóng góp - Ảnh: AN VI

Đâu đó lúc này, hai chiếc xe tải biển số TP.HCM đang bon bon chở những thùng nước lọc, gói mì xé lẻ hay có cả chai dầu nóng... - ấm như tấm lòng của chủ nhân hai chiếc xe là ông Nguyễn Minh Chiến (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình) trên đường ra Bắc.

Thấy cảnh đồng bào bị bão lũ tàn phá, vợ chồng ông Chiến tạm gác công việc, lấy mặt bằng tiệm đồ cũ của mình làm nơi tiếp nhận đóng góp. Rồi họ dùng hai xe tải - cần câu cơm - chuyên chở chút nắng ấm cho đồng bào ngoài kia.

Khi chúng tôi tới, trước tiệm toàn nước suối, mì gói và đủ món lỉnh kỉnh ông Chiến huy động nhân viên xếp lên xe. Ở đây không có tiền tỉ, không có xe hàng cả tấn, chỉ có tấm lòng bình dị của người dân thể hiện qua cách họ đem chục gói mì nhờ ông Chiến gửi đến bà con.

Hay một anh shipper dùng tiền công một ngày chạy xe mua ba thùng mì để góp. Khi được hỏi, anh tài xế tên Huy chỉ đáp gọn: "Thôi tui không biết nói gì đâu, kệ đi, đồng bào mà".

Tôi nhận thùng mì mà tay cầm không vững vì xúc động. Đôi lúc mình tự hỏi vu vơ sao mà dân mình thương nhau dữ vậy.Ông Nguyễn Minh Chiến

Rồi một người đàn ông bán vé số rụt rè trước điểm tập kết, cầm lốc sữa nhỏ xíu ngại ngùng: "Cho tôi gửi tới miền Bắc...".

Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún  第5张

Mặt bằng cửa hàng bán đồ cũ được ông Nguyễn Minh Chiến (quận Tân Bình, TP.HCM) dùng để tiếp nhận đóng góp của bà con - Ảnh: AN VI

Ông Chiến chia sẻ quê mình ngoài Bắc, không lạ gì cảnh lũ về. "Tôi xem thời sự nhiều khi bật khóc khi thấy bà con vẫy tay trên mái nhà, bất lực nhìn của cải dành dụm trôi theo dòng nước lũ", ông trải lòng.

Trưa 18-9, chuyến xe khởi hành cùng sáu nhân viên tham gia. Toàn bộ chi phí xăng cộ, ăn uống do ông và những người bạn đóng góp. "Tôi nghĩ đơn giản lắm, đóng góp được cho quê hương là tôi vui rồi", ông tâm tình.

Mong muốn giúp người dân sinh kế lâu dài

Sau 10 ngày, dù rất muốn tiếp tục hỗ trợ nhưng đến lúc họ phải trở về với công việc thường ngày. Chị Mây tâm niệm: "Chúng tôi mong muốn sau này sẽ làm một dự án sinh nhai lâu dài cho bà con, ví dụ hỗ trợ trồng tối ưu hoa màu, trồng xen canh...". Bây giờ người ta đi phượt nhiều, nhóm chị ấp ủ liên kết thành tour, có các điểm đến rồi hướng dẫn bà con địa phương làm du lịch.