Chúng ta rất cần khuyến khích giảng viên có thể tham gia kết nối với doanh nghiệp, hoặc tốt hơn nữa là cũng trở thành một phần của doanh nghiệp.
Nhận thức của xã hội, đặc biệt là của chính những người trong ngành giáo dục ở bậc đại học, về mối liên hệ giữa giảng viên lý thuyết và giảng viên thực chiến dường như vẫn còn chưa thực sự khách quan.
Lý thuyết và thực chiến đều quan trọng
Đã dành nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu về lĩnh vực của mình, giảng viên lý thuyết thường có nền tảng kiến thức sâu rộng, vững chắc. Họ là chuyên gia về kiến thức chuyên môn, có khả năng giải thích, phân tích các khái niệm phức tạp một cách rõ ràng, mạch lạc. Không chỉ giúp sinh viên hiểu được bản chất của vấn đề từ góc nhìn lý thuyết, giảng viên lý thuyết còn có thể cung cấp cho sinh viên cái nhìn tổng quan, bao quát và sâu sắc về lĩnh vực ngành nghề, từ đó giúp người học có thể rèn luyện, phát triển khả năng tư duy, phân tích.
Tuy vậy, giảng viên lý thuyết có thể thiếu sự kết nối với thực tiễn. Công bằng mà nói, nếu không áp dụng được vào thực tế, những kiến thức lý thuyết dù có vững chắc đến cỡ nào cũng vẫn là những nội dung trừu tượng, khô khan và khó hiểu đối với phần đông sinh viên. Quá trình tiếp nhận kiến thức của người học, vì vậy mà bị giảm đi phần nào hiệu quả.
Sự thiếu hụt này được bù đắp bởi giảng viên thực chiến. Có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực mình giảng dạy, giảng viên thực chiến có thể chia sẻ những trải nghiệm thực tiễn, ví dụ sinh động và ứng dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể. Những câu chuyện, những kinh nghiệm, thậm chí là những sai lầm trong thực tiễn từ giảng viên thực chiến giúp sinh viên có thể hiểu được cách áp dụng kiến thức và phát triển kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết vấn đề.
>> 'Thợ dạy' ở đại học
Đâu là giải pháp?
Nhiều ý kiến đề cao giảng viên lý thuyết vì cho rằng lý thuyết nền tảng sâu rộng là chìa khóa vạn năng để cung cấp cho sinh viên cơ sở vững chắc. Ở chiều người lại, quan điểm đề cao giảng viên thực chiến tin vào việc truyền đạt kiến thức chỉ thật sự hiệu quả khi vận dụng tối đa những đúc kết từ thực hành, thực tế.
Thay vì so sánh, giải pháp tốt hơn là chúng ta kết hợp cả lý thuyết và thực chiến trong quá trình đào tạo người học. Cả giảng viên lý thuyết và giảng viên thực chiến đều mang đến những giá trị riêng biệt và cần thiết cho sự phát triển toàn diện của sinh viên, giỏi cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành.
Giảng viên có thể sử dụng kiến thức lý thuyết làm nền tảng để giải thích các khái niệm cơ bản, sau đó áp dụng chúng vào các tình huống thực tế thông qua các ví dụ và trải nghiệm thực tiễn. Bằng cách này, sinh viên không chỉ hiểu được lý do tại sao một khái niệm hoạt động mà còn biết cách áp dụng nó vào thực hành. Sự kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và thực tiễn có thể tạo ra một môi trường học tập đa chiều và phong phú nhất cho sinh viên, giúp họ phát triển cả kỹ năng lý thuyết và thực hành, từ đó chuẩn bị cho họ một cách tốt nhất cho thế giới nghề nghiệp đang thay đổi liên tục.
Với đề xuất dung hòa trên đây, rõ ràng, chúng ta rất cần khuyến khích giảng viên có thể tham gia kết nối với doanh nghiệp, hoặc tốt hơn nữa là cũng trở thành một phần của doanh nghiệp để có thể tự tin áp dụng các lý thuyết trong thực tiễn, giúp kéo gần khoảng cách giữa đào tạo nhà trường và yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Giảng viên "nói được làm được" sẽ thuyết phục sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên tham gia thực chiến doanh nghiệp cũng giúp công tác thực hành, thực tập sinh viên thêm thuận lợi.
- 'Lương giáo viên Việt thấp vì dạy lý thuyết bị xem trọng hơn thực hành'
- Thành kiến sinh viên đại học giỏi lý thuyết, kém thực hành
- 'Dạy lý thuyết trước, thực hành sau là đào tạo ngược'
- Những 'siêu nhân' lý thuyết tích phân, đạo hàm
- 'Siêu nhân lý thuyết' từ tiểu học
- Trách giáo viên không dạy học sinh lắp bóng đèn
Đăng thảo luận