Dù có thưởng thêm tùy doanh thu của quán, nhưng tôi thấy mức lương theo giờ này vẫn thấp.
Thời gian nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, từ thứ Bảy (31/8) đến hết thứ Ba (3/9), thế nhưng nhiều sinh viên vẫn dành thời gian đi làm thêm với mức lương dưới tối thiểu thay vì nghỉ ngơi bên gia đình.
Mỗi sinh viên sẽ có dự định của riêng mình trong dịp nghỉ lễ dài hơn mọi năm. Phần lớn lựa chọn về quê với gia đình, đi du lịch cùng bạn bè...nhưng cũng có nhiều bạn ở lại thành phố tranh thủ đi làm thêm với nhiều lý do khác nhau.
Làm thêm xuyên lễ và mức lương một sinh viên được trả, một em sinh viên tôi quen hiện đang làm phục vụ của một quán trà sữa cho biết, phần vì yêu cầu của cửa hàng phải có nhân viên đi làm xuyên lễ, mà đi làm được gặp gỡ đồng nghiệp cũng vui, nên mặc dù lương không cao nhưng bạn vẫn hài lòng với môi trường làm việc của mình.
"Hiện tại, mức lương em được trả là 17.000 đồng một giờ, vào dịp lễ thì quản lý sẽ thưởng thêm cho mỗi nhân viên 100.000-200.000 đồng một ca làm, tùy vào doanh thu ngày hôm đó", em cho hay.
Cũng thay vì nghỉ lễ gặp gỡ bạn bè, một em sinh viên khác lựa chọn đi làm để tăng thêm thu nhập. "Quán em làm có mức lương khởi điểm là 17.000 đồng một giờ, nhưng có chính sách tăng lương theo thời gian. Hiện tại, với mức lương 22.000 đồng một giờ hơn nữa được nhân đôi vì là ngày lễ, em quyết định ở lại làm thêm. Mấy ngày nghỉ lễ không vướng bận chuyện học hành nên em có thể tranh thủ làm 7 - 8 tiếng một ngày", em nói.
Thế nhưng, vì là dịp lễ nên lượng khách hàng đông hơn bình thường khiến khối lượng công việc và áp lực của mỗi nhân viên tăng cao. Trà chia sẻ mặc dù công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng, yêu cầu quá cao về kinh nghiệm, chỉ cần có sức khỏe nhưng công việc ngốn rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó việc phục vụ tại quán trà sữa này không giúp được bạn nhiều trong học tập hay xin việc sau này, chỉ đem lại cho cậu khoảng chưa đến hai triệu đồng hàng tháng. Nhưng vì muốn tự lập những khoản chi phí về ăn uống, đi lại, cà phê cùng bạn bè... nên em vẫn duy trì công việc của mình.
Có thể thấy, dù dưới bất kỳ hình thức nào, thưởng nóng hay tăng lương theo kinh nghiệm thì không thể phủ nhận được nhiều sinh viên vẫn cố gắng đi làm với mức lương cố định dưới tối thiểu.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp khi tuyển người lao động đã trên 18 tuổi nhưng không có hợp đồng lao động và không trả lương theo luật lao động đã ban hành.
Theo Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể như sau: Mức lương tối thiểu giờ lần lượt là vùng I: 22.500 đồng, vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và 15.600 đồng với vùng IV.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Sinh viên làm thêm thường gặp khó khăn trong việc đòi hỏi mức lương xứng đáng. Phần lớn là do vẫn còn bỡ ngỡ trong việc thương lượng và chưa có đủ kinh nghiệm để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này khiến nhiều nhà tuyển dụng lợi dụng để trả mức lương thấp hơn quy định.
Thêm vào đó, hầu hết các sinh viên làm thêm chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động về mức lương và các quyền lợi khác. Việc thiếu hụt hợp đồng lao động bằng văn bản sẽ khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp.
Huyền Diệu
Đăng thảo luận