Ảnh hưởng của mưa, bão, lũ vừa qua ở các địa phương vùng miền núi phía bắc khiến nhiều hộ dân bị sạt lở vùi lấp nhà cửa và có nguy cơ sạt lở chưa thể về nhà. Hiện nay, nhiều hộ dân ở các địa phương đang rất cần nơi ở mới, vì vậy việc sắp xếp, bố trí tái định cư cho nhân dân vùng sạt, nguy cơ sạt lở đang trở nên cấp thiết nhằm ổn định cuộc sống.

Sắp xếp, bố trí tái định cư cho nhân dân vùng sạt lở  第1张 Khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) sau sạt lở đất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ sau bão ở các địa phương phía bắc khiến 240.291 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, 88.889 nhà dân bị ngập.
Nhiều hộ dân cần nơi ở mới
Tại Yên Bái, qua thống kê, tỉnh có 54 người bị chết (trong đó chủ yếu là do sạt lở đất), hơn 7.000 ha cây trồng thiệt hại. Mưa, bão, lũ cũng làm 27.331 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 326 nhà sập đổ hoàn toàn, 973 nhà hư hỏng nặng…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Đối với các hộ có nhà bị sập hoàn toàn, tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm nhà người thân. Riêng 21.368 hộ phải di dời người và tài sản trong đợt mưa, lũ vừa qua đến ngày 20/9 đã có 17.725 hộ quay về nhà sau khi nước rút và nguy cơ sạt lở giảm, còn lại 3.643 hộ chưa trở về nhà".
Theo Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) Nguyễn Xuân Tùng, thị trấn hiện có 201 hộ nguy cơ sạt lở cần phải di dời. Vấn đề là huyện, tỉnh xem xét đầu tư quỹ đất di dân tập trung để đưa các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, mưa, lũ vừa qua trên địa bàn có 6.761 nhà dân bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi... Đến ngày 22/9, các hộ dân có nhà bị hư hỏng nhẹ cơ bản đã được khắc phục xong và trở về sinh sống; các hộ bị thiệt hại nặng đang tiếp tục sửa chữa.
Hiện nay, vẫn còn hơn 1.101 hộ bị thiệt hại hơn 70% đang ở nhờ người thân, lán tạm thời hoặc các khu kết hợp tránh trú cộng đồng. Các hộ dân diện di dời đang được cung cấp thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, bảo đảm không bị thiếu, đói.
Riêng huyện Bảo Yên đã hoàn thành 25 nhà tạm và đưa 25 hộ dân mất nhà đến ở trong thời gian chờ làm nhà mới. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương triển khai thi công các hạng mục để bố trí nơi ở tạm cho các gia đình bị hư hỏng nhà ở hoặc phải di chuyển trong khi chờ xây dựng khu ở mới.
Tại Tuyên Quang, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 20.500 nhà dân bị thiệt hại nặng, ngập nước, sập đổ, hư hỏng hoàn toàn…
Riêng huyện Chiêm Hóa, có 1.856 nhà bị sập đổ, hư hỏng, trong đó 29 nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 23 nhà bị hư hại rất nặng, 140 hộ phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều hộ dân tại các xã: Tri Phú, Linh Phú, Bình Phú… vẫn chưa thể về nhà do nguy cơ sạt lở đất đá xảy ra bất cứ lúc nào…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thành, huyện Quang Bình (Hà Giang) Hoàng Ngọc Khánh chia sẻ: "Sau bão số 3, trên địa bàn có 59 hộ phải di dời khẩn cấp, trong đó năm hộ có nhà sập hoàn toàn và 54 hộ di rời khẩn cấp do có nguy cơ sạt lở cao. Riêng thôn Đồng Tâm có 37 hộ, trong đó 16 hộ dân tộc Dao, qua làm việc 14 hộ đã tự chủ động tìm đất để ổn định cuộc sống nhưng vị trí các hộ dự kiến làm nhà thuộc đất ruộng, đất rừng, đất trồng cây lâu năm, không phải đất ở. Đối với 21 hộ người H’Mông, hiện nay đang ở tập trung tại điểm trường thôn Đồng Tiến. Toàn bộ 21 hộ này không tự chủ động được đất ở để ổn định cuộc sống. Tại thôn Yên Lập có 14 hộ đã di dời và đang sống ở nhà văn hóa thôn và người thân".
Sớm ổn định đời sống nhân dân
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các thôn, bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách do các địa phương đề xuất, trong đó có phương án xây dựng khu tái định cư và di dân xen ghép, để di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác đến những địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 3 vừa qua. Qua khảo sát ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… việc ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương có những phương án ổn định chỗ ở cho người dân, đặc biệt quan tâm tới những hộ bị mất trắng nhà cửa và nơi có nguy cơ cao sạt lở. Việc bố trí các hộ dân bị mất nhà và những hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao cần theo hình thức xen ghép để ổn định cuộc sống. Để ổn định dân cư vùng xen ghép cũng cần bảo đảm đủ lương thực cho người dân. Đồng thời, các địa phương cần rà soát, xem xét, lựa chọn những nơi an toàn để xây dựng khu tái định cư lâu dài cho người dân. Việc xây dựng các khu tái định cư cũng cần tính đến bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp cho người dân, tránh xa khu dân cư. Bên cạnh đó, khi xây dựng các khu tái định cư, cần có khoảng cách an toàn với các vùng núi có nguy cơ sạt lở cao; đối với những vùng nguy cơ cao sạt lở cần có hệ thống cảnh báo thiên tai nhằm thông báo tới người dân kịp thời khi xảy ra sự cố. Mặt khác, khi xây dựng kết cấu hạ tầng cần chú ý xây nhà cộng đồng theo hướng đa chức năng vừa là nơi sinh hoạt văn hóa vừa làm du lịch và cũng là nơi cho nhân dân tránh trú khi xảy ra thiên tai".
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho biết: "Hiện nay, Yên Bái có khoảng 500 đến gần 600 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn và di dời khẩn cấp nhưng không thể quay về nơi ở cũ do nguy cơ sạt lở cao. Những hộ này, tỉnh đã cơ bản sắp xếp, bố trí để người dân sớm có chỗ ở mới trên tinh thần bố trí tái định cư xen ghép hoặc chọn các vùng đất không vướng vào quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng xây khu tái định cư. Tỉnh phấn đấu đến hết ngày 31/12 các hộ dân sẽ có nhà mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hỗ trợ từ Trung ương để tỉnh xây dựng các khu tái định cư".
(Theo NDO)