Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vnDự án luật được xây dựng bám sát quan điểm tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ ràng nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời, bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật.
Dự án Luật cũng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước liên quan đến nội dung chính sách để bảo đảm sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vnThẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 513/TTr-CP của Chính phủ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...
Cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung làm rõ.
Về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vnTheo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa, trong đó có đề xuất sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các Dự thảo Luật này để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật, dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng, hoàn thiện một cách đồng bộ thể chế, pháp luật về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Dự án Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, có cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, được đồng thuận cao. Đối với những nội dung còn lại chưa thực sự chắc chắn, tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi sau.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vnVề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức mới và phức tạp, đến nay, các cơ quan quản lý cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa thể lường hết các tình huống phát sinh cũng như khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện và trong giai đoạn khai thác. Vì vậy, việc xem xét, sửa đổi các quy định của Luật này cần rất khẩn trương, nhưng cũng phải rất thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ nên sửa đổi những vấn đề cốt lõi, cấp bách, đã “chín”, đã “rõ”, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát đảm bảo các nội dung sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai, thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, thực hiện đúng quan điểm Dự án Luật chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao; thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW năm 2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không hợp thức hóa các sai phạm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật cùng báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Đăng thảo luận