Nhấn mạnh đến việc cần phải có đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, Thủ tướng mong các doanh nghiệp cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển.
Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật BắcThủ tướng bày tỏ cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua. Các doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển.
Chia sẻ quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới.
Thủ tướng cho biết, Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới. Trong đó có đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam…
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Hội nghị Diên Hồng với khu vực doanh nghiệp tư nhân
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn gặp nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí DũngHoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để.
Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Vì vậy, hội nghị hôm nay được ví như hội nghị Diên Hồng, nơi Chính phủ và khu vực doanh nghiệp tư nhân cùng bàn bạc về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong cộng đồng doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
Các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh; tham gia vào các dự án lớn của đất nước...
Bộ trưởng KH-ĐT cũng mong các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Nhấn mạnh thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, ông Dũng cho hay, Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDPHiện nước ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.
Đăng thảo luận