Trong đau thương mất mát với học trò và người dân các tỉnh miền núi phía Bắc, thầy cô giáo trở thành điểm tựa.

Trong đau thương, thầy cô giáo là điểm tựa  第1张

Thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) đưa học sinh từ điểm lẻ về trường chính. Nhiều bé được thầy cô giáo cõng trên lưng - Ảnh: giáo viên cung cấp

Thầy cô giáo không chỉ xắn tay vào lo cứu giúp, có những quyết định kịp thời bảo vệ học sinh mà ở nhiều tình huống còn là niềm an ủi, điểm tựa tinh thần cho học trò vượt qua biến cố lớn trong đời.

Thầy cô mang đồ cứu trợ, quần áo cho học sinh

  • Trong đau thương, thầy cô giáo là điểm tựa  第2张

    'Nhà ngập ngổn ngang nhưng lo cho học trò trước đã'ĐỌC NGAY

Xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) là một trong những địa bàn bị cô lập, gần hai tuần sau đợt mưa lũ vẫn chưa thông đường. Để đến được trung tâm xã phải vượt qua nhiều chặng đường sạt lở nghiêm trọng.

Để kịp cho ngày học sinh trở lại trường, nhiều thầy cô giáo ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Lù phải băng qua đoạn đường với nhiều điểm sạt lở. Hành trang của các thầy cô giáo không chỉ có đồ dùng tư trang mà ai cũng cố mang theo hàng cứu trợ gồm đồ dùng thiết yếu, thực phẩm hỗ trợ học sinh. 

Học sinh trở lại trường nhưng thiếu thốn đủ thứ. Nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại nặng nề sau bão lũ. Trong khi các đoàn thiện nguyện mang gạo, nhu yếu phẩm ủng hộ không thể tiếp cận được trường vì đường sạt lở, lại gặp mưa trơn trượt.

Thầy hiệu trưởng Vũ Văn Minh cùng hơn chục thầy giáo khác quyết định đi bộ hơn 5km men theo đường mòn để mang đồ cứu trợ về cho học sinh. Một số thầy giáo phải đi vòng sang trung tâm xã khác để nhận đồ cứu trợ mang về. Vừa lội bùn, bám chặt chân trên những đoạn đường sạt lở, trơn trượt, các thầy giáo phải đeo, vác những bao đồ cứu trợ.

Trước đó, nhiều thôn thuộc A Lù bị lũ cuốn trôi và sập hàng chục ngôi nhà, nhiều trường hợp thương vong. Trường dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Lù tuy không thiệt hại nặng nhưng gặp khó khăn vì nhiều gia đình học sinh rơi vào cảnh khốn khó. Xã bị cô lập kéo dài khiến cho việc tổ chức dạy học và tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh gặp nhiều trở ngại.

Sau nỗ lực vượt qua chặng đường vất vả và nguy hiểm của các thầy cô giáo hơn 200 học sinh bán trú ở trường này mới có bữa ăn tươm tất.

Trấn an tinh thần

Ở Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) có gần 100 học sinh/488 học sinh bị kẹt lại trường trong đợt bão lũ. Mất điện, nước sinh hoạt khan hiếm đặc biệt đường bị sạt lở chia cắt nên thực phẩm chỉ trông chờ vào nguồn dự trữ và đồ cứu trợ.

Thầy Lưu Hoàng Anh, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ thầy trò phải cùng nhau vừa khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ vừa duy trì sinh hoạt ở mức tiết kiệm nhất.

Trường THCS&THPT Bát Xát tại xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) cũng bị bão lũ gây thiệt hại nặng nề. Nghiêm trọng là toàn bộ khu nhà xe, 16 phòng bán trú của học sinh đổ sập.

Khi xem xét thấy có khe nứt, nước ngầm chảy ra ở khu nhà xe, thầy hiệu trưởng đã phối hợp với các lực lượng trong xã sơ tán 131 học sinh và 11 giáo viên, nhân viên, thân nhân của giáo viên khỏi khu vực nguy hiểm. 132 người thoát nạn.

Nhưng tiếp theo là những ngày Mường Hum bị cô lập. Đường bị sạt lở, không có điện, sóng điện thoại để gọi cứu trợ, các thầy cô giáo của trường này phải chia tổ trực để nấu ăn, quản lý, đặc biệt là trấn an tinh thần cho học sinh. 

Vì di chuyển khẩn cấp nên toàn bộ học sinh chỉ có một bộ quần áo mặc trên người, các thầy cô giáo lại chia nhau quay về trường lấy quần áo, đồ dùng thiết yếu cho học sinh. Vượt qua quãng đường dài cả chục km, nhiều thầy cô giáo quần áo bê bết bùn đất, mệt nhoài nhưng vì học sinh họ vẫn cố gắng.

Cõng học trò đến lớp

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) sau lũ có những điểm trường bị sạt lở nghiêm trọng, xe máy không thể đi được. Để đến được điểm trường, thầy cô giáo và học sinh đều phải đi bộ. 

Trong khi nguy cơ sạt lở vẫn còn tiềm ẩn, để đảm bảo học sinh được an toàn, nhà trường phối hợp với các trưởng thôn và phụ huynh đưa học sinh ở điểm lẻ về trường chính.

Thầy hiệu trưởng Hoàng Hồng Giang kể lại: Giáo viên của trường phải đi bộ từ trường chính đến điểm lẻ để nhận bàn giao học sinh từ phụ huynh. Sau khi đã nhận đủ học sinh, thầy cô giáo dẫn học sinh đi bộ về trường chính. 

Những học sinh lớp 1, lớp 2 ở điểm lẻ quá nhỏ nên không đi bộ được trên những đoạn đường sạt lở nên các thầy cô giáo phải cõng trên lưng.

Từ điểm lẻ về trường chính cách khoảng 5 - 6km, biết cõng bọn trẻ trên lưng không thể đi nhanh nên các thầy cô giáo đã chuẩn bị cả bánh, nước, sữa và nhường hết phần đồ ăn, đồ uống cho học sinh. 

Đoạn đường vào lúc bình thường thì có thể đi xe máy vài chục phút nhưng trong tình huống mưa lũ, đường sạt lở phải đi gần hai tiếng. Và những đứa trẻ đến được trường chính an toàn.

Thầy cô là lực lượng nòng cốt

Trong trận bão lũ ảnh hưởng trên diện rộng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, thầy cô giáo là một trong những lực lượng nòng cốt khắc phục thiệt hại, cứu giúp cho người dân, học sinh. Họ cũng là lực lượng chủ chốt trong việc dọn dẹp vệ sinh trường lớp, thống kê thiệt hại để xin cứu trợ sách vở, đồ dùng cho học sinh nhằm ổn định dạy học.

Không chỉ vậy, nhiều thầy cô giáo trở thành điểm tựa tinh thần cho học sinh khi các em trải qua biến cố, mất mát lớn trong đời. Cô giáo ở trường phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) đã có chuyến đi gần một ngày đến Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để đưa học trò về chịu tang bố.

Tại Bảo Yên (Lào Cai) nhiều cô giáo túc trực tại bệnh viện, lo cơm nước, vệ sinh cho những học sinh bị thương có bố mẹ, người thân tử vong, mất tích trong trận lũ quét.