YênBái - Khai thác tiềm năng du lịch, những năm qua, huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đã thu hút được nhiều nhà đầu tư “mạnh tay” chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho các dịch vụ du lịch, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Điểm du lịch An Lavita (Trạm Tấu, Yên Bái) có hệ thống phòng nghỉ hiện đại cùng đa dạng dịch vụ du lịch: bể bơi, nhà hàng, spa…
>> Trạm Tấu khai thác tiềm năng, phát triển du lịch
Trong 6 năm trở lại đây, du lịch Trạm Tấu đã có bước phát triển vượt trội. Từ chỗ chỉ có một vài điểm lưu trú dạng nhà nghỉ, quán ăn bình dân, Trạm Tấu đã từng bước phát triển các resort nghỉ dưỡng quy mô lớn, các homestay xinh xắn được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng theo hướng tiện nghi, hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa đồng bào trong thiết kế, kiến trúc.
Homestay Na Cò Hang ở tổ dân phố số 3, thị trấn Trạm Tấu được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2021. Ban đầu, căn nhà này được chủ nhà - chị Nguyễn Thị Thu Nga dựng lên để gia đình sử dụng, song nhận thấy tiềm năng, cơ hội về phát triển du lịch, chị đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để cải tạo. Căn nhà ban đầu trở thành phòng cộng đồng, sức chứa trên 10 khách mỗi đêm. Ngoài ra, chị Nga còn xây dựng thêm 4 phòng ở dạng nhà 2 tầng, có lối đi riêng, khép kín.
Chị Nguyễn Thị Thu Nga - chủ homestay Na Cò Hang chia sẻ: "Vì đầu tư cải tạo nên chúng tôi xác định cần đầu tư mạnh vào trang trí, thiết kế sao cho tiện nghi nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, của thiên nhiên với thổ cẩm, gỗ thông, tre nứa, đá sỏi… Trong tuần thì khách lác đác, chứ cứ cuối tuần và ngày lễ thì hầu như kín phòng, gia đình tôi thu về trung bình gần 50 triệu mỗi tháng”.
Cùng với các homestay do người dân tự xây dựng, huyện Trạm Tấu đã thu hút được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch, không chỉ tạo nên những sản phẩm du lịch "có sao” hoàn chỉnh, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như: Điểm du lịch An Lavita Resort có 21 căn bungalow, 4 phòng cộng đồng cùng các dịch vụ: bể bơi khoáng mặn vô cực ngoài trời, bể bơi 4 mùa trong nhà, bể khoáng nóng tự nhiên, nhà hàng, quầy bar, phòng tập gym, khu massage và spa, khu vui chơi trẻ em… cũng được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Khu du lịch Suối Khoáng nóng Cường Hải sau nhiều năm đi vào hoạt động cũng đã đầu tư thêm chục tỷ đồng để đầu tư từ gần 10 phòng nghỉ, 2 bể tắm khoáng để nâng cấp lên quy mô 25 phòng, khả năng phục lên tới 250 người cùng một lúc với hệ thống 4 bể tắm khoáng. Ngoài hệ thống phòng ở lưu trú, Khu du lịch còn đầu tư mạnh vào hệ thống cảnh quan với nhiều cây xanh, các loài hoa bản địa rực rỡ sắc màu, cách bài trí, thiết kế đậm bản sắc dân tộc, đào tạo cách phục vụ theo hướng chuyên nghiệp và giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương…
Khu du lịch Suối Khoáng nóng Cường Hải thu hút hàng vạn khách du lịch mỗi năm.
Đến nay, Trạm Tấu đã có 14 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp, trên 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 1 khách sạn, 5 nhà nghỉ, 24 homestay, khoảng 30 cơ sở dịch vụ ăn uống, cà phê đang hoạt động, phục vụ được hơn 1.000 lượt khách lưu trú mỗi đêm. Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch còn tích cực áp dụng các chiến lược Marketing - quảng bá dịch vụ thông qua mạng xã hội, ứng dụng đặt phòng trực tuyến… cũng như tạo sự liên kết giữa các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các công ty lữ hành để tìm kiếm và thu hút du khách thập phương.
Chị Lê Thu Thủy Linh - du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ: "7 năm trước, gia đình tôi đến Trạm Tấu du lịch, lúc ấy chỉ có mỗi Khu du lịch Suối Khoáng nóng Cường Hải là điểm nhấn lưu trú. Nhưng giờ thì thật đa dạng sự lựa chọn từ các nhà nghỉ cho đến homestay, resort. Các tour du lịch từ thăm bản Cu Vai, dã ngoại trong rừng thông hay săn mây ở Phình Hồ cũng rất thú vị, tạo nên một Trạm Tấu đẹp ở cả 4 mùa, không còn quá phụ thuộc vào mùa lễ hội như trước nữa”.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, du lịch Trạm Tấu năm 2023 đã thu hút 150.000 lượt khách, doanh thu đạt 112 tỷ; 6 tháng đầu năm thu hút 83.300 lượt, doanh thu đạt 65,8 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư... chủ động tiếp cận nhà đầu tư để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện cho các nhà khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, khai thác phát triển thị trường du lịch.
Hoài Anh
Tags Trạm Tấu thu hút đầu tư phát triển du lịch
Đăng thảo luận