7 tháng đầu năm 2023 công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các tỉnh Tây Nguyên tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản đã phục hồi và dần phát triển.

Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 7 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Số vụ việc được phát hiện xử lý ở một số địa bàn trọng điểm có chiều hướng tăng 

Cũng theo báo cáo, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, giá cả thị trường hàng hóa diễn ra theo chiều hướng tích cực; tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhìn chung diễn biến không có điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm. 

Song số vụ việc được phát hiện xử lý ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng tăng, còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 

Tây Nguyên: Chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản đã phục hồi  第1张 Môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến ngày càng phát triển cũng tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. 

Các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa diễn ra ở hầu hết các thời điểm, không theo quy luật và có chiều hướng gia tăng trên tuyến biên giới đất liền các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai. 

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng,… diễn ra ở hầu hết các tuyến, địa bàn nội địa trọng điểm; 

Các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra ở hầu hết các khu vực thành thị và có xu hướng ngày càng tăng ở khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên.

Báo cáo cho hay, trong 7 tháng đầu năm, các Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chuyên đề, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý, ổn định thị trường, an sinh xã hội; 

Chỉ đạo các ngành, lực lượng, đơn vị quản lý địa bàn, tăng cường tuyên truyền, kịp thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin qua đường dây nóng, báo chí phản ánh về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn; kiến nghị kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để từ đó đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất trên tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; 

Điều phối các lực lượng phối hợp, tăng cường biện pháp phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm hiệu quả. Đồng thời, thực hiện kịp thời việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 7 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng 5 tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 6.485 vụ vi phạm (tăng 46,9 % so với cùng kỳ năm 2022). 

Trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 1.024 vụ (tăng 9,8 % so với cùng kỳ); gian lận thương mại, gian lận thuế 5.377 vụ (tăng 53,9% so với cùng kỳ); hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 90 vụ (tăng 184,2% so với cùng kỳ); khởi tố vụ án hình sự 201 vụ (tăng 44 % so với cùng kỳ)/ 298 đối tượng (tăng 58,3 % so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 134,386 tỷ đồng (tăng 61,2% so với cùng kỳ).

Tây Nguyên: Chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản đã phục hồi  第2张 Một góc Tây Nguyên

Biểu dương, đề xuất khen thương kịp thời các tổ chức, cá nhân 

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường đề nghị các Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh Tây Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; 

Ban chỉ đạo 389 các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các ngành, lực lượng chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, nhận diện, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề nổi cộm, phức tạp, triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề đã xây dựng nhằm chủ động phát hiện, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp để răn đe phòng ngừa.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng; chia sẻ thông tin để phục vụ mục tiêu chung; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng tần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung và hình thức tuyên truyền.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện ngăn chặn sớm các sai phạm nhằm bảo vệ cán bộ; xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; động viên biểu dương, đề xuất khen thương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích. 

Tổ chức triển khai các chuyên đề của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, thông tin, tuyên truyền.