'Bạn bè tôi có con mới vào cấp ba đã nghĩ ngay đến việc quan tâm hơn đến thầy cô để con có được điểm số đẹp trong học bạ'.

"Ngày trước, tôi đi học, điểm học bạ chỉ khoảng 7, 8 điểm và đi thi đại học đề riêng cũng được khoảng chừng đó. Sau này, mỗi dịp tổng kết năm học, phụ huynh toàn khoe con cái đạt học sinh giỏi, nhìn học bạ toàn 8, 9, 10 điểm, nhưng nhiều em lại không vào được đại học. Nói thẳng ra là hiện tại chúng ta đang bị lạm phát điểm học bạ và bệnh thành tích. Thế nên, điểm trên học bạ không còn đánh giá khách quan năng lực của học sinh. Đó là lý do không nên xét tuyển bằng học bạ chứ đừng nói tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp".

Đó là quan điểm của độc giả Nguyencongthu xung quanh phương án tăng tỷ lệ điểm học bạ lên 50% trong xét tốt nghiệp từ 2025. Trong công thức tính hiện nay, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm mới, góp phần đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp.

Lo ngại việc tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT có thể kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, bạn đọc Hoàng Nam nhận định: "Điểm học bạ đang bị lạm phát. Trường tôi ở miền núi, ngày xưa cả trường không có học sinh giỏi, cả khối chỉ có khoảng 10 bạn học sinh tiên tiến. Nhưng trong số đó vẫn có ba, bốn bạn đỗ được đại học top đầu cả nước. Ấy vậy mà bây giờ cả khối 12 đã có 30% học sinh giỏi, 40% học sinh khá, điểm 10 tổng kết rất nhiều, nhưng ngay cả bạn cao điểm nhất tốt nghiệp cũng không thể đỗ được mấy đại học top đầu".

"Rất nhiều bạn bè tôi có con mới vào học cấp ba. Họ nghĩ ngay đến việc quan tâm hơn đến thầy cô để con có được điểm số đẹp trong học bạ. Thực tế, tôi đã thấy nhiều cháu cấp hai học không xuất sắc nhưng vào cấp ba bỗng vượt trội với điểm trung bình siêu cao, có thể nộp hồ sơ vào hầu hết các trường top đầu. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc kỹ trước khi quyết định tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT", độc giả Vu.ngoanh nói thêm.

>> Hai con tôi đỗ đại học nhờ học bạ đẹp

Trong khi đó, với góc nhìn từ một học sinh, bạn đọc Phamhailinh lại ủng hộ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Tôi là một học sinh mới thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Theo tôi, việc xét tuyển học bạ không có gì là sai cả. Ở đây, đâu phải chỉ tính mỗi kết quả học tập của lớp 12 mà tính cả quá trình rèn luyện từ đầu cấp ba (lớp 10, 11, 12). Việc xét học bạ ở đây còn giúp học sinh giảm bớt đi áp lực thi cử. Việc cố gắng học tập chăm chỉ trong suốt ba năm là một sự nỗ lực rất lớn để có một học bạ đẹp.

Còn việc thi tốt nghiệp THPT thì tôi nghĩ vẫn nên ghép chung với kỳ thi đại học. Việc này làm cho các trường đại học có thể dễ tuyển sinh. Trước kia, khi phải thi riêng hai kỳ, nên thời gian thi đại học của mỗi trường là khác nhau, làm cho các thí sinh rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đi thi để không bị trùng lịch. Việc gộp chung còn giúp các bạn học sinh có thể dễ dàng đặt nguyện vọng của mình".

Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Lão Kim Bài: "Quá trình học tập của học sinh là rất quan trọng. Nó được đánh giá bởi rất nhiều môn học trong suốt quá trình học tập. Tất cả đều theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành thì chẳng có cái lý gì không xét tuyển qua học bạ. Trường nào tiêu cực thì Sở ban ngành cứ thanh tra xử lý nghiêm là được".

Lê Phạm tổng hợp