Để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, Tây Nguyên cần được đặt trong một mối liên kết rộng lớn hơn, không chỉ trong nội vùng, mà còn liên vùng, với cả nước và hợp tác quốc tế.
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng có diện tích khoảng 54,5 nghìn km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội; nằm ở điểm giao biên giới ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, tiếp giáp các vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên có ý nghĩa tích cực và sâu rộng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.
Tây Nguyên giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông - Tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả nước; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia...
Nhờ thực thi hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TW, Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân của toàn vùng trong giai đoạn 2002-2019 đã đạt 8,22%/năm. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên GRDP của vùng chỉ tăng 3,66%, tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của vùng tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế của cả nước.
Tây Nguyên giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông - Tây.Tây Nguyên cũng đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Những chỉ dấu này cho thấy, Tây Nguyên cần được đặt trong một mối liên kết rộng lớn hơn, không chỉ trong nội vùng, mà còn liên vùng, với cả nước và hợp tác quốc tế.
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để phát triển bền vững Tây Nguyên, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời đưa ra định hướng toàn diện cho phát triển vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, công tác lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang được triển khai quyết liệt.
Trong Chương trình hành động của Chính phủ, vấn đề liên kết vùng cũng đã được đặt ra và được coi là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Tây Nguyên.
Dự thảo Báo cáo Khung định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đã đưa ra một số quan điểm về phát triển kinh tế, đó là phát triển có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; tạo tăng trưởng kinh tế dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; từng bước chuyển đổi sang kinh tế xanh.
Về tổ chức không gian, vùng Tây Nguyên cần tăng cường kết nối liên vùng, nội vùng, đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS); hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng theo lợi thế và vị thế phát triển.
Tây Nguyên sẽ hình thành 2 hành lang kinh tế cấp quốc gia, gồm Hành lang kinh tế Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây) và Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quy Nhơn - Pleiku - Bờ Y). Đồng thời, hình thành 7 hành lang kinh tế cấp vùng bám theo các tuyến quốc lộ.
Đăng thảo luận