Viên chức - người lao động của Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải được hướng dẫn thực hành xử lý tình huống cháy khi tham gia giao thông.
Ngày 3/7, Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải phối hợp với đội Phòng cháy chữa cháy thuộc phòng PC07 Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) năm 2024.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2024” đã được lãnh đạo Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải phê duyệt vào cuối tháng 6.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, ông Hồ Bảo Hưng, Phó Bí thư Chi Bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở của trường, nhấn mạnh, công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ là nhiệm vụ của những người chuyên nghiệp mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.
“Việc huấn luyện và nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta có thể đối phó hiệu quả với các tình huống nguy hiểm và bảo vệ sự an toàn cho mọi người”, ông Hưng thông tin.
Viên chức - người lao động của Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải được tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy.Theo Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải, với mục tiêu xây dựng một môi trường học tập và làm việc an toàn, trường luôn khuyến khích tất cả các thành viên tham gia tích cực vào các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ.
Do đó, buổi tập huấn không chỉ là dịp để tuyên truyền pháp luật mà còn là cơ hội để các thành viên trong trường nâng cao nhận thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt là trong môi trường giao thông nơi mà rủi ro về cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Buổi huấn luyện không chỉ trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có các hoạt động thực hành để các học viên có thể áp dụng ngay vào thực tế, nâng cao khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. Thông qua hoạt động này, Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải mong muốn củng cố và phát triển phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, xây dựng môi trường làm việc và học tập an toàn, lành mạnh.
Tại buổi tập huấn, Thượng úy Nguyễn Hữu Dũng và Trung úy Lê Anh Nam đã trình bày chi tiết về các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, cũng như cung cấp các kiến thức cần thiết và hướng dẫn thực hành các kỹ năng cơ bản trong phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, viên chức - người lao động đã được giảng viên cho thực hành các tình huống diễn ra trong thực tế.
Cụ thể với tình huống cháy buộc phải sơ tán khẩn cấp, viên chức - người lao động được hướng dẫn cách sơ tán an toàn trong các tình huống cháy nổ tại cơ sở làm việc và học tập. Các bài tập thực hành giúp viên chức - người lao động nắm vững quy trình sơ tán và bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh.
Ngoài ra, viên chức - người lao động được thực hành sử dụng các thiết bị chữa cháy cơ bản như bình chữa cháy xách tay, hệ thống báo cháy và các phương tiện chữa cháy khác. Các tình huống giả định được xây dựng để học viên có thể trực tiếp áp dụng kỹ năng đã học vào thực tế.
Một nội dung gắn với lĩnh vực nhà trường đào tạo cũng được đề cập trong buổi tập huấn, đó là việc xử lý tình huống cháy khi tham gia giao thông. Đây là phần huấn luyện đặc biệt giúp viên chức - người lao động biết cách xử lý khi gặp phải tình huống cháy nổ trong quá trình tham gia giao thông. Bởi vì, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy phương tiện trong quá trình lưu thông trên đường gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, thậm chí cả thiệt hại về người.
Theo đó, viên chức - người lao động được hướng dẫn cách dừng xe an toàn, sử dụng bình chữa cháy trên xe và sơ cứu người bị nạn để áp dụng vào thực tế và hướng dẫn lại các học viên khi giảng dạy trên đường.
Ngoài ra, viên chức - người lao động cũng được thực hành các tình huống mô phỏng (cháy nhỏ, sơ tán khẩn cấp và cách thức phối hợp với đồng đội để kiểm soát tình huống) nhằm áp dụng các kỹ năng đã học vào thực tế.
Đăng thảo luận