Bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ Online "dù mưa chỉ 20 phút, nhiều đường ở quận Bình Tân, TP.HCM nước ngập lênh láng như ao cá". Quận lý giải do địa hình, triều cường cũng như hạ tầng chưa tương xứng, quận sẽ làm nhiều cách để cải thiện.
Nhiều đường ở quận Bình Tân (TP.HCM) ngập diện rộng sau khi mưa khoảng 20 phút. Ghi nhận chiều 25-9 - Ảnh: LÊ PHAN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời gian qua và gần nhất vào chiều 25-9, khi mưa dứt, nhiều tuyến đường thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân bị ngập rất nặng.
Trong đó một đoạn đường Lê Cơ nối từ đường Võ Văn Kiệt qua Kinh Dương Vương ngập diện rộng, ngập lút bánh xe.
Các khu vực gần đó cũng gặp cảnh tương tự khiến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của người dân đảo lộn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết địa hình quận Bình Tân khá thấp, có những phần đất tự nhiên thấp hơn mực nước triều cường.
Cụ thể, thấp dần theo hướng Bắc - Nam, khu vực cao nhất thuộc các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B. Còn khu vực thấp nhất thuộc các phường An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Trị Đông B (địa hình từ 0,6m - 1,8m).
Đồng thời có khoảng 1.131ha đất tự nhiên thấp hơn mực nước triều cường 1,71m (khoảng 21,8% tổng diện tích), tập trung tại khu vực rạch Bà Tiếng, kênh Mười Xà, rạch Ông Búp, đường Hồ Học Lãm,…
Với các trận mưa từ 50 - 100mm kéo dài, kết hợp triều cường nên đã xảy ra ngập thường xuyên. Đặc biệt tại 3 điểm, lưu vực gồm: đường Hồ Học Lãm, kênh Liên Xã, rạch Ông Búp.
Và khoảng 8 điểm ngập nhẹ, cục bộ như rạch Bà Tiếng, đường số 14, đường số 4 - đường số 7, đường Phan Anh; các khu dân cư Nam Hùng Vương (đường Lê Cơ, đường số 3…), Trường Thịnh (đường số 34, 36...), Hương Lộ 5.
"Mức độ ngập từ 20 - 40cm, thời gian ngập khoảng 1-2 tiếng… gây ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt người dân trong khu vực", vị đại diện nói.
Nước ngập đường Lê Cơ, mấp mé tiến vào nhà dân - Ảnh: LÊ PHAN
Theo UBND quận Bình Tân, để giảm và tiến tới xóa các điểm, lưu vực ngập, quận Bình Tân đã và đang làm nhiều cách cùng lúc.
Đầu tiên là tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, không lấn chiếm hệ thống thoát nước, không thờ ơ với hành động làm hư hỏng, hại đến hệ thống thoát nước.
Thường ngày cần quét dọn rác, đất cát tại miệng thu nước, lưới chắn rác các hầm ga, mở rộng các vị trí thắt dòng chảy kênh rạch.
Song song đó, các đơn vị liên quan sẽ nạo vét hệ thống cống thoát nước (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận đang nạo vét các tuyến mà quận quản lý), UBND phường cũng vận động người dân nạo vét cống thoát nước các tuyến hẻm và cùng phường tiếp nhận, giữ gìn hiện trạng sau khi được các cơ quan nạo vét.
Việc mở rộng các vị trí thắt dòng chảy kênh rạch, mở rộng cửa xả, lắp đặt trạm bơm, cải tạo kênh rạch theo quy hoạch (như kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh Nước Đen, kênh Mương Lệ, rạch Bà Tiếng, kênh Liên Khu 3-4, kênh Hãng Giấy...) đang được các đơn vị liên quan làm tiếp.
Tìm cách xử lý dứt điểm việc ngập ở quận Bình Tân
Đối với các điểm ngập thường xuyên, lưu vực kênh Liên Xã: Trước mắt, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân nạo vét và bàn giao hiện trạng để phường giữ lòng kênh thông thoáng.
Về lâu dài, quận kiến nghị TP.HCM bố trí vốn trung hạn 2026 - 2030 để làm dự án lắp đặt cống hộp kênh Liên Xã theo quy hoạch.
Đường Lê Cơ: Quận đã kiến nghị và được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống cống thoát nước, nâng cấp mặt đường. Hiện quận đang lập các thủ tục, dự kiến đầu năm 2025 sẽ xây dựng.
Lưu vực rạch Bà Tiếng (đường SinCo, Tên Lửa, đường 34, đường 17A...): Đang thi công dự án cải tạo rạch Bà Tiếng, hiện công trình thi công cơ bản hoàn thành hệ thống thoát nước. Dự kiến xong vào dịp 30-4-2025.
Đăng thảo luận