Thông tin từ gia đình Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết, ông qua đời lúc 14h30 ngày hôm nay (17-9), thọ 97 tuổi.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh Binh đoàn 559, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, ngày 19-5-2019 - Ảnh: TỰ TRUNG
Thiếu tướng Phan Khắc Hy từng giữ chức phó tư lệnh Ðoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, chính ủy, bí thư Ðảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng..., người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, vị tướng của Trường Sơn
Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh năm 1927, ông gia nhập Đảng từ ngày 6-6-1946 và trở thành đảng viên chính thức vào tháng 9 cùng năm.
Ngày 20-6 vừa qua, Thiếu tướng Phan Khắc Hy là một trong bốn đảng viên thuộc Đảng bộ phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM vinh dự nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Nếu không có chiến tranh, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh Binh đoàn 559 và Binh đoàn Trường Sơn anh hùng, cùng với vai trò phó tướng trực tiếp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên mặt trận Trường Sơn khói lửa, có thể đã trở thành một nhà giáo.
Dù vậy, dưới vẻ ngoài nho nhã của ông là một nội lực mạnh mẽ tiềm ẩn, giúp ông vượt qua mọi thử thách trong những năm tháng đầy cam go.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy dành cả đời để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng - Ảnh: TỰ TRUNG
Đối với Thiếu tướng Phan Khắc Hy, đời binh nghiệp mấy mươi năm, nhưng bốn năm ở Trường Sơn là bốn năm mà ông không quên được một ngày.
Ở đó, ô tô chỉ huy của ông từng bị bom từ trường thổi bay tung. Bốn người trên xe đều bị thương nặng, chỉ cách cái chết có một li.
Con đường ấy, đến những ngày cuối của cuộc chiến tranh, ông vẫn còn phải chứng kiến đồng đội ngã xuống, nỗi tiếc thương vẫn dâng lên thành nước mắt cho đến khi mái đầu bạc phơ.
TIN LIÊN QUANLực lượng đặc biệt, nhiệm vụ tuyệt mật
Kể với Tuổi Trẻ năm 2017, ông cho biết gần 50 năm sống trong hòa bình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhiều lần đưa vợ và các con trở lại thăm và khám phá đường Trường Sơn, đúng như lời hứa của ông.
"Ngày nay không còn là ngày xưa, không thể kêu gọi người người dẹp bỏ lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích chân chính mới có thể lấy làm động lực.
Lợi ích phi nghĩa xâm hại đến người khác, đến nhân dân, đất nước, dân tộc nhất thiết phải đấu tranh" - ông nói với Tuổi Trẻ 7 năm trước.
Vào tháng 7 hằng năm, ông thường đến nghĩa trang Trường Sơn để thắp nén nhang và ngọn nến tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Mỗi chuyến trở về không chỉ là hành trình hồi tưởng mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với những đồng đội đã hy sinh.
Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cũng đăng thông báo tướng Phan Khắc Hy qua đời trên trang web của hội (theo tin từ Ban Liên lạc Trường Sơn TP.HCM gửi ra chiều 17-9).
Trang web ghi, Thiếu tướng Phan Khắc Hy “là vị chỉ huy cuối cùng trong Bộ Tư lệnh Trường Sơn, người đảng viên nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, cây đại thụ của Trường Sơn”.
“Cây đại thụ” được bộ đội Trường Sơn yêu mến
Ngày 20-6, Trung tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP.HCM, trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng đợt 2-9-2024 với Thiếu tướng Phan Khắc Hy - đảng viên lão thành, sinh hoạt tại Chi bộ khu phố 10, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ông nhận được thông tin tướng Phan Khắc Hy qua đời lúc 15h chiều nay.
“Dù anh Hy có tuổi nhưng khi nghe tin anh mất, mọi người trong hội ai cũng ngỡ ngàng, thương tiếc và đau buồn.
Tạm biệt anh, một con người không chỉ dũng cảm mà còn rất uyên bác, trí tuệ, sáng tạo. Vừa có tâm, vừa có tài, vừa có tầm. Sống rất tình nghĩa với đồng đội, cấp dưới”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, tướng Hy là vị tướng được cả bộ đội Trường Sơn yêu mến và kính trọng, là cây đại thụ của Trường Sơn. Tham gia cách mạng khi mới 18 tuổi (năm 1945), ông là vị tướng kinh qua hai cuộc chiến tranh cứu quốc vĩ đại của dân tộc.
“Vĩnh biệt anh Phan Khắc Hy, một trong những biểu tượng của Trường Sơn huyền thoại một thời”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn thông tin thêm, dù tuổi cao sức yếu nhưng tướng Hy vẫn tham gia Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Hội này chỉ có hai mục đích: một là tình nghĩa, hai là giáo dục truyền thống.
“Và tới hôm nay, khi anh mất, anh vẫn là trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn của TP.HCM, tức làm tới hơi thở cuối cùng”, ông Tuấn nói.
Giờ đây, tướng Hy đã về với đại ngàn Trường Sơn, về với các đồng đội của ông cùng “canh giữ” một khoảng trời rất đẹp của đất nước.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ngày 1-1-1927 tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông tham gia cách mạng từ tháng 4-1945 khi vừa mới 18 tuổi và từng là tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trước khi được điều vào mặt trận Bình Trị Thiên làm phái viên mặt trận cuối năm 1950, sau đó hoạt động ở mặt trận Bình Trị Thiên rồi mặt trận Đường 9 và Trung Lào.
Từ năm 1955 tới 1968, ông trải qua nhiều vị trí ở Quân chủng Phòng không Không quân, rồi Bộ Tư lệnh Không quân.
Sau đó ông làm chính ủy Bộ Tư lệnh 470 đảm trách địa bàn từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam Bộ. Từ tháng 5-1971 đến tháng 5-1976, ông là phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Tang lễ Thiếu tướng Phan Khắc Hy tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Lễ viếng từ 7h ngày 20-9.
Lễ truy điệu từ 5h ngày 21-9. An táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
Đăng thảo luận