YênBái - Cuối tháng 10, chúng tôi quay trở lại Trấn Yên, mảnh đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Thật bất ngờ bởi một dải đất ven sông Hồng rồi qua các xã Nga Quán, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp hoặc Quy Mông, Y Can, Minh Quân... đã phủ màu xanh của ngô, rau, đậu đỗ, đặc biệt là dâu tằm.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.
>> Vùng dâu Trấn Yên hồi sinh sau bão lũ
>> Xót xa vùng dâu Việt Thành
>> Trấn Yên khôi phục sản xuất sau lũ
Khó khăn còn như núi trước mắt nhưng mấy lứa tằm cuối vụ lại được thu, bà con đã có lứa rau xanh để ăn, để bán, vài tháng nữa là có hạt ngô, hạt đỗ... , thế là mừng rồi. Quan điểm, quyết tâm khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách ngay sau khi nước rút của cấp ủy, chính quyền huyện Trấn Yên thật sự trúng, đúng và đi vào lòng dân.Bên cạnh thiệt hại về người, nhà cửa, công trình giao thông, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, cả 21/21 xã, thị trấn của huyện đều có diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản bị thiệt hại với 13.664 hộ sản xuất (lúa, rau màu, dâu, cây ăn quả, vườn ươm 9.056 hộ; chăn nuôi 1.681 hộ; thủy sản 2.927 hộ); ước thiệt hại khoảng hơn 400 tỷ đồng; đặc biệt, hàng vạn hộ dân ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế.
>> Xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái
Đồng chí Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên kể lại: "Ngay sau khi nước rút, lãnh đạo Trung tâm đã cùng với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện bàn bạc phương án tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con nông dân tập trung khôi phục sản xuất. Đại bộ phận cán bộ, nhân viên của 2 cơ quan đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sản lở đất nhưng trên 30 cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đã biết động viên nhau, cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Mục tiêu chung là khôi phục sản xuất nông nghiệp, bám sát tình hình thực tiễn. Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác về tận cơ sở, khảo sát tình hình, rồi tổng hợp ý kiến và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác".
Theo đó, đối với diện tích dâu tằm, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khơi rãnh, thoát nước, tuốt lá, bấm ngọn...; tổ chức vệ sinh đồng ruộng, nạo vét mương máng; làm đất trồng ngô đối với những ruộng bãi cao, gieo rau màu vụ thu đông trên tất cả những diện tích có thể...; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết; phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật, nhất là gà, lợn, trâu, bò...
Việc tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua Internet với các nhóm Zalo, mạng xã hội Facebook; đặc biệt là các buổi hội nghị đầu bờ được tổ chức do các cán bộ kỹ thuật trong khối nông lâm nghiệp của huyện, đặc biệt là các chuyên gia, các nhà kỹ thuật đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu lớn như Viện Nghiên cứu dâu tằm tơ, Viện Nghiên cứu phát triển của Tổng công ty phân bón Bình Điền... Rất nhiều cách làm hay, sáng tạo được áp dụng như: tận dụng mạng xã hội vừa tuyên truyền, hướng dẫn, vừa biểu dương các địa phương làm tốt, nhắc nhở các địa phương làm chưa tốt; đặc biệt là lồng ghép các buổi phát hàng từ thiện với hướng dẫn kỹ thuật canh tác sau lũ...
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đơn vị được huyện phân bổ nhanh chóng và kịp thời, tiêu biểu như: hàng nghìn lít hóa chất dùng để phun tiêu độc, khử trùng đã được phân phát về cơ sở từ khi nhiều khu dân cư nước chưa rút hết; 10 nghìn kg ngô giống cùng đủ loại hạt rau giống cùng lượng phân bón, giống gà, vịt, thức ăn chăn nuôi rất lớn đã được phân phát kịp thời đến tận tay bà con nông dân.
Chính sách và nguồn lực hỗ trợ đến rất kịp thời; lãnh đạo huyện rất quyết liệt trong chỉ đạo; cán bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp cực kỳ trách nhiệm, bà con nông dân, nhất là hội viên các tổ chức chính trị xã hội đã phát huy tinh thần vươn lên trong gian khó của mình. Không có chuyện ngồi đó chờ lấy hàng cứu trợ, ỷ lại sự quan tâm khi mà lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp cao của tỉnh, các nhà khoa học và đội ngũ khuyến nông viên đã lội bùn ra đến ruộng đồng ngay sau lũ. Cả bộ máy chính trị, sự quyết tâm đồng lòng hưởng ứng của bà con nông dân và sự chung sức của những nhà thiện nguyện đã giúp đồng đất Trấn Yên hồi sinh.
Thống kê cho thấy, trong tổng số 593,3 ha dâu bị ảnh hưởng đã có 493 ha được chăm sóc và hồi phục; trong 100 ha dâu bị chết và bị vùi lấp đã có 45 ha được trồng lại ngay trong đầu tháng 10. Tính đến ngày 20/10, toàn huyện Trấn Yên đã trồng được hơn 500 ha ngô đông, hơn 600 ha rau màu khác.
Nhiều bãi màu đã được phủ kín rau xanh, ngô, cao hơn đầu gối người lớn; những rổ rau cải ngọt, cải bẹ... cắt từ ruộng mới hôm nào còn chìm trong lũ được bày bán ngoài chợ; chuồng trại lại vang tiếng gà gáy, lợn kêu... "Sản xuất nông nghiệp ở Trấn Yên còn rất gian khó nhưng đã chuyển động mạnh mẽ sau lũ” - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên - Trần Anh Tuấn khẳng định với chúng tôi.
Lê Phiên
Tags Trấn Yên bão số 3 Việt Thành Đào Thịnh Báo Đáp vùng dâu tằm
Đăng thảo luận