Với triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống", bộ sách được nhiều người đánh giá đã đi đúng tinh thần đổi mới của chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Hướng tới “Thực học, thực nghiệp”
Năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng trong lộ trình thay đổi SGK. Với triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống", bộ sách Cánh Diều được đánh giá cao khi không còn việc thầy đọc trò chép hay học rập khuôn, máy móc đồng thời bài giảng được thiết kế khoa học, hấp dẫn học sinh.
Chia sẻ về bộ SGK Cánh Diều, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt cấp Tiểu học và THCS, bộ Cánh Diều, cho biết: “Điểm chung cho tất cả các SGK mới là viết theo hướng không dạy theo lý thuyết nữa, để phù hợp với việc đổi mới chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT), hướng đến một nền giáo dục "thực học, thực nghiệp", học đi đôi với hành. Nghĩa là, học sinh học theo SGK mới sẽ không phải ngồi nghe lý thuyết thầy cô giảng nữa mà các em được thực hành, tự đánh giá mình”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ vài dẫn chứng, có thể một số phụ huynh học sinh thấy sách cũ cho đến giữa học kỳ I cũng chỉ dạy đọc 1, 2 câu, còn sách Cánh Diều dạy bài đọc 4, 5 câu ngay từ tuần thứ ba. Nếu đọc kỹ sẽ thấy độ dài các bài đọc của sách được nâng dần dần, từ 4, 5 tiếng đến 10 tiếng, 12 tiếng rồi đến bài đọc 20 tiếng… Các tiếng hoặc câu trong bài đọc chỉ lặp đi lặp lại những chữ học sinh đã học, nhờ đó mà học sinh không quên mặt chữ và phát triển kỹ năng đọc tốt hơn. Tất cả các trường dạy sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đều nhận xét là chỉ sau 2 tháng học sách này, học sinh đã đọc khá thạo, viết khá nhanh.
“SGK mới không tổ chức tiết luyện từ và câu (từ ngữ, ngữ pháp) riêng mà biến nội dung này thành bài tập gắn với bài đọc để tăng cường tính tích hợp, nâng cao, hiệu quả giáo dục và "giảm tải" cho học sinh”, GS. Thuyết cho biết.
Cũng theo GS. Thuyết, có một số hoạt động có thể coi là "đặc sản" của SGK Cánh Diều, như tự đọc sách báo, góc sáng tạo, tự đánh giá sau mỗi bài học. Tự đọc sách báo là hoạt động xây dựng nền nếp tự đọc, tự học. Góc sáng tạo là bài tập khơi gợi óc sáng tạo và năng lực vận dụng những điều đã học cuộc sống. Tự đánh giá là hoạt động ở cuối mỗi bài học, giúp học sinh tổng kết những điều đã biết và đã làm được sau mỗi bài học.
Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống
TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ sách Cánh Diều, chia sẻ: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK Công nghệ, bộ sách Cánh Diều được biên soạn có những điểm mới nổi bật Phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; Tạo điều kiện cho giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy; Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hình thành, rèn luyện và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; Kết hợp kênh chữ và kênh hình phong phú, thuận lợi trong dạy và học; Tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Tích hợp giáo dục STEM, giáo dục an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp THPT”.
Còn với môn Ngữ văn, theo chia sẻ của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đồng Tổng Chủ biên SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều, khẳng định: “Có nhiều ưu điểm hội tụ trong cuốn sách này”.
Điểm thứ nhất là luôn luôn bám sát yêu cầu của chương trình GDPT môn Ngữ văn năm 2018, sắp xếp hệ thống các bài học theo thể loại và kiểu văn bản kết hợp với đề tài, chủ đề văn bản.
Thứ hai, thực hiện tích hợp cao, nhằm phát triển năng lực và giảm tải cho học sinh; do nội dung các phần của bài học liên quan, tích hợp với nhau, góp phần củng cố và làm nhẹ cho nhau.
Thứ ba, nội dung các bài học được thiết kế với yêu cầu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực. Các bài học không sa vào lý thuyết, chú trọng yêu cầu vận dụng, thực hành là chính.
Thứ tư, nội dung sách vừa kế thừa, đổi mới các văn bản hay, những đơn vị kiến thức văn học, tiếng Việt ở sách cũ nhưng đáp ứng được yêu cầu mới. Đồng thời, bổ sung một số văn bản đọc phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Thứ năm, sách được in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh hoạ đẹp, thực hiện tư tưởng coi hình thức cũng là một nội dung dạy học.
Thứ sáu, từ cấu trúc đến nội dung các bài học và hình thức trình bày của các trang sách đều hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá.
Thứ bảy, bên cạnh SGK, sách giáo viên và phiên bản điện tử, những người làm sách còn biên soạn nội dung hỗ trợ giáo viên sử dụng phương tiện và thiết bị dạy học theo yêu cầu hiện đại trong dạy học và phải mang tính khả thi.
“Hiện các tác giả đang biên soạn thêm sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết thêm.
Là một bộ sách giáo khoa được xuất bản theo chủ trương xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, sau 4 năm thực hiện, bộ sách Cánh Diều hiện đã được hơn 270.000 giáo viên từ 28.000 trường học trên cả nước sử dụng trong dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thúy Ngà
Đăng thảo luận