Khi “làn sóng” các nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng lắng xuống, một số người bán thực phẩm chức năng còn sử dụng cả hình ảnh của người làm trong ngành y dược để tăng thêm sự uy tín cho sản phẩm.

Chưa khi nào người tiêu dùng lại chứng kiến thị trường thực phẩm chức năng “bát nháo” như hiện nay. Người bán đã dùng mọi thủ đoạn để bán được hàng như thổi phồng công dụng như  thần dược, thuê nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo. Tuy nhiên, gần đây họ lại thêm một chiêu trò khác là giả mạo bệnh viện uy tín, các bác sĩ giỏi để lấy lòng tin của khách hàng.

Dùng mọi thủ đoạn để bán hàng

Thời gian vừa qua, nhiều loại thực phẩm chức năng được tung hô như thần dược, chữa được bách bệnh trên các phương tiện truyền thông. Cách thức vi phạm quảng cáo phần lớn là thổi phồng công dụng, liệt kê các thành phần; dùng nhận xét của khách hàng; nghệ sĩ nổi tiếng để tâng bốc sản phẩm.

Mạo danh thầy thuốc để bán thực phẩm chức năng  第1张 Một trường hợp mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108 quảng cáo thực phẩm chức năng vừa bị bệnh viện cảnh báo.

Khi “làn sóng” các nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng lắng xuống, một số người bán thực phẩm chức năng còn sử dụng cả hình ảnh của người làm trong ngành y dược để tăng thêm sự uy tín cho sản phẩm. Cụ thể, tại một trang Facebook bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe gắn hình ảnh bác sĩ, nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai cùng với đó là số điện thoại để tư vấn. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên, bác sĩ này xác nhận không nhận lời tư vấn cho bất kỳ đơn vị nào ngoài Bệnh viện Bạch Mai.

Thậm chí, có những trường hợp giả danh bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khám, tư vấn và kê đơn thuốc là đủ loại thực phẩm chức năng cho trẻ sử dụng. Trong đó, có trường hợp giả danh bác sĩ tên Nguyễn Thị Hiền công tác ở Bệnh viện Nhi Trung ương khám, kê đơn bán các loại thực phẩm chức năng cho trẻ.

Đối tượng quảng cáo về một loại bút thần kỳ, chỉ cần chạm vào tay vào chân bé là đã có thể phát hiện trẻ thiếu các loại vi chất gì. Thế nhưng theo các cơ quan chuyên môn về y tế, đây chỉ là chiêu trò hù dọa các bậc phụ huynh từ kết quả thăm khám của loại bút này để bán được thật nhiều các loại thực phẩm chức năng.

Trước thông tin này, PGS.TS Phạm Thu Hiền - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, đã cho kiểm tra toàn bộ 500 cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, không có ai tên là Nguyễn Thị Hiền.

Chị Nguyễn Thu Ngân (Quảng Xương, Thanh Hóa) là một trong số những nạn nhân của chiêu trò này. Chị Ngân kể, một lần có vô tình lướt Facebook thì thấy đoạn quảng cáo về loại bút thần kỳ này. Thấy hay chị đã quyết định mua về để test cho con gái. “Sau này có một người bạn làm bác sĩ nói bút này không có tác dụng gì, cũng may là tôi chưa quyết định mua thực phẩm chức năng của họ. Nếu không chắc lại mất thêm tiền mà còn mang bệnh vào người”, chị Ngân cho biết thêm.

Mặc dù vấn nạn mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo bán thực phẩm chức năng đã được báo chí, truyền thông và các bệnh viện cảnh báo nhưng có vẻ vẫn chưa hề thuyên giảm. Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được một đoạn clip nhân vật tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên “Minh triết trong ăn uống của người phương Đông”.

Một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook cá nhân nhằm tạo niềm tin rằng “Bác sĩ Quân y 108” đã khẳng định chỉ cần áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” là “chữa tất cả” và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng của họ.

Trước sự việc này, đại diện của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khẳng định, việc mạo danh, lấy thương hiệu “Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật, “lệch lạc” trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; đồng thời, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, Bệnh viện chỉ có một địa chỉ duy nhất tại: Số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh viện và cán bộ nhân viên bệnh viện không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện, nhất là qua các trang mạng xã hội. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Mạo danh thầy thuốc để bán thực phẩm chức năng  第2张 Đối tượng Trần Thị Thu (đứng giữa) cùng đồng bọn giả làm bác sĩ bán “thần dược”

Ông Lê Hoàng Thái (Thường Tín, Hà Nội) là người bị bệnh viêm đa khớp, cũng vì xem các kênh Youtube thấy quảng cáo có loại thực phẩm chức năng uống vào giảm 90% bệnh. Đặc biệt có những hình ảnh của các bác sĩ nổi tiếng tại Bệnh viện 108 nên ông rất tin tưởng. “Những lúc rảnh rỗi tôi thường xem Youtube về các phương pháp chữa bệnh, nhất là bệnh của tôi. Có một lần tôi thấy họ quảng cáo loại thực phẩm chức năng tốt lắm, lại được các bác sĩ trong Quân đội tư vấn nên rất an tâm. Tôi đã bỏ ra 3 triệu đồng để mua về uống, nhưng uống hết số thực phẩm đó cũng không thấy bệnh tình thuyên giảm. Không những vậy, từ ngày uống thực phẩm tôi lại bị đại tràng nên đã bỏ không dùng nữa”, ông Thái chia sẻ.

Hay mới nhất trên một fanpage có đăng tải một loạt các loại thực phẩm chức năng có tác dụng như “chữa dứt điểm xương khớp chỉ sau 15 ngày”, hay: “chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm đại tràng” kèm theo đó là hình ảnh được giới thiệu là PGS, bác sĩ ở các bệnh viện lớn đã khiến nhiều người bị lừa, dẫn đến tiền mất tật mang.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng nhận được phản ánh của một số người dân qua đường dây nóng về việc một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện để tư vấn, khám bệnh trực tuyến, rồi bán thuốc, thực phẩm chức năng nhằm trục lợi. Bên cạnh đó chúng còn cam kết chữa khỏi dứt điểm bệnh đái tháo đường, nếu không khỏi sẽ hoàn tiền 100%. Những bài quảng cáo này được đăng trên trang Facebook giả mang tên “Bệnh viện Nội tiết Trung ương”.

Liên tiếp phát giác các vụ giả làm bác sĩ bán “thần dược”

Kẻ xấu không chỉ sử dụng hình ảnh bác sĩ nổi tiếng hay các bệnh viện lớn quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để tạo niềm tin cho người bệnh mà trên thực tế còn có tình trạng giả danh bác sĩ dàn cảnh ở một số bệnh viện, các khu chợ để lừa đảo bán “thần dược”.

Mới đây vào ngày 28/8, Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết, đang tạm giữ các đối tượng: Trần Thị Thu (51 tuổi), Nguyễn Xuân Vinh (54 tuổi, cùng trú tại tỉnh Nam Định), Nguyễn Thị Kim Anh (49 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) và Lê Thị Oanh (51 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Ngãi) để làm rõ hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan Công an, nhóm lừa đảo này do Trần Thị Thu cầm đầu. Cụ thể, Nguyễn Xuân Vinh được phân công giả làm bác sĩ, Nguyễn Thị Kim Anh “tung hứng” để tạo lòng tin cho bị hại về “thang thuốc quý”, còn Lê Thị Oanh cảnh giới từ xa.

Mạo danh thầy thuốc để bán thực phẩm chức năng  第3张 Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo có cánh trên youtube mà ông Lê Hoàng Thái đã mất 3 triệu đồng mua thuốc rởm

Trước đó, Công an phường Tân Thành đã nhận được đơn trình báo của bà Phạm Thị Dung (sinh năm 1958, trú tại phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) về việc bị một nhóm đối tượng lừa bán thuốc giả, chiếm đoạt số tiền 9,9 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận tin báo, Đội CSHS  Công an TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Công an phường Tân Thành nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Buôn Ma Thuột xác định nhóm đối tượng gây án đã tẩu thoát về địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, lãnh đạo Công an TP Buôn Ma Thuột cử tổ công tác vào TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an địa phương đã làm rõ nhóm đối tượng gây án gồm: Trần Thị Thu, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thị Kim Anh và Lê Thị Oanh.

Tại cơ quan Công an, đối tượng cầm đầu là Trần Thị Thu khai nhận do cần tiền tiêu xài cá nhân nên chị ta nảy sinh ý định lừa bán thuốc chữa bệnh (thuốc giả) và rủ các đối tượng trong nhóm cùng phối hợp thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi được cả nhóm đồng ý, Thu lên mạng xã hội đặt mua các loại thuốc Bắc và 10 hộp giấy có in chữ: “Phong Quế Chi”, “Viện khoa học 103, 108” về đóng gói. Tuy nhiên, cả nhóm xác định tại địa bàn TP Hồ Chí Minh khó lừa được nên đã bàn bạc, thống nhất lên TP Buôn Ma Thuột thuê khách sạn ở để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trước khi thực hiện, Thu bàn bạc phân công nhiệm vụ cho từng người. Cụ thể, Vinh giả làm bác sĩ đứng ở khu vực gần nơi Thu tiếp cận người mua thuốc. Kim Anh sẽ hỗ trợ đưa ra thông tin gian dối đây là thuốc quý, người nhà đã mua uống và lành bệnh để tạo lòng tin cho bị hại. Còn Oanh đứng từ xa cảnh giới. Tại TP Buôn Ma Thuột, nhóm đối tượng đến khu vực ngã tư đường Mai Hắc Đế và Giải Phóng (phường Tân Thành) tiếp cận bà Dung rồi dàn cảnh lừa bán thuốc giả chiếm đoạt số tiền 9,9 triệu đồng.

Cũng theo cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, ngoài phi vụ lừa bán thuốc cho bà Dung, với thủ đoạn như trên, nhóm này đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo khác ở tỉnh Đắk Lắk. Hiện cơ quan Công an đang mở rộng điều tra vụ án và thông báo ai là bị hại của nhóm đối tượng trên sớm đến Công an TP Buôn Ma Thuột trình báo để được hỗ trợ theo quy định.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Anh (36 tuổi, ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và Trần Thị Sen (ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) và Trần Thị Sang (36 tuổi, ngụ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc giả danh bác sĩ.

Cụ thể, vào ngày 17/3/2023, Công an phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ tiếp nhận tin báo của bà L.T.Đ. (55 tuổi, ngụ phường Hòa Thọ Đông) về việc bị 3 người phụ nữ lừa lấy 9 triệu đồng qua việc giả làm bác sĩ bán thuốc “kim sương” chữa bệnh.

Theo điều tra, Kim Anh có nhiệm vụ đến chợ Cồn mua hạt mạch nha (giá 55 ngàn đồng/kg) rồi mang đến chợ Cẩm Lệ, đóng giả làm người bán thuốc đông y, đặt tên là thuốc kim sương với tác dụng chữa được bệnh bọng mắt. Sen và Sang thay phiên nhau đóng giả làm bác sĩ, người mua thuốc trà trộn vào các chợ. Gặp những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, các đối tượng đưa thông tin gian dối rồi dẫn “con mồi” đến chỗ Kim Anh mua thuốc. Sen xưng là bác sĩ mắt nổi tiếng ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, nói với bà Đ. uống thuốc kim sương sẽ hết bệnh bọng thịt ở mắt; ngoài ra còn trị thêm bệnh bạc tóc.

Sen dẫn bà Đ. đến chỗ Kim Anh thì Sang giả vờ làm người mua thuốc đến khen công dụng, nói dối là mẹ mình đã từng uống thuốc này và bệnh khỏi hẳn. Tin lời “bác sĩ” Sen, bà Đ. mua 9kg với giá 9 triệu đồng (chuyển tiền vào tài khoản của Kim Anh). Sau đó, 3 nữ quái chia tiền tiêu xài, giải tán nhóm “bác sĩ”, người bán “thuốc đông y”.

Trong vòng 1 tháng, 3 đối tượng dàn cảnh lừa đảo ở hầu hết các chợ tại Đà Nẵng và Quảng Nam, chiếm đoạt của nhiều nạn nhân với số tiền 250 triệu đồng.

Luật An toàn thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Do đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Công an Nhân dân