Nhà băng của Mỹ lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc, sau khi nước này tung hàng loạt chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ từ tháng 9.

Trong báo cáo ngày 13/10, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) kỳ vọng GDP Trung Quốc tăng 4,9% năm nay, cao hơn so với dự báo gần nhất của họ là 4,7%. Số liệu năm sau cũng được cải thiện, từ 4,3% lên 4,7%.

"Đợt kích thích mới nhất của Trung Quốc rõ ràng cho thấy giới chức có bước ngoặt về chính sách và ngày càng tập trung hơn vào kinh tế", Hui Shan - nhà kinh tế học tại Goldman nhận định.

Động thái của Goldman Sachs được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế học và nhà đầu tư đang đánh giá tác động tiềm năng của loạt chính sách kích thích mà Bắc Kinh tung ra từ cuối tháng 9. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đối mặt với áp lực giảm phát và tâm lý tiêu dùng yếu. Quý II, GDP Trung Quốc tăng 4,7%, chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc  第1张

Người dân bên ngoài một khu mua sắm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đến nay đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng, hạ lãi vay mua nhà và lãi suất tham chiếu. Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Kinh tế Trung Quốc (NDRC) cũng cho biết cấp 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các dự án đầu tư của địa phương năm nay, sớm một năm so với kế hoạch. Bộ Tài chính Trung Quốc cam kết tăng hỗ trợ tài khóa.

Theo báo cáo của Goldman, việc Trung Quốc cho phép các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để huy động 2.300 tỷ nhân dân tệ (325 tỷ USD) trong quý IV là động thái mạnh hơn dự báo. Việc này thể hiện giới chức ngày càng dựa vào chi tiêu tài khóa để hỗ trợ kinh tế. Goldman Sachs cho rằng Bắc Kinh nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%.

Ngân hàng của Mỹ cũng ước tính các chính sách mới sẽ bù đắp được lực cản từ xuất khẩu chậm lại và khủng hoảng bất động sản kéo dài. Dù vậy, họ cũng cảnh báo các thách thức cấu trúc của Trung Quốc vẫn còn. Vì thế, tăng trưởng năm 2026 và sau đó vẫn được giữ nguyên.

"Thách thức từ cấu trúc dân số, chiến lược giảm đòn bẩy tài chính và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể đảo ngược chỉ bằng chính sách nới lỏng", các nhà kinh tế học kết luận.

Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)