Vừa qua một trạm thu phát sóng của nhà mạng ngã đè sập tầng 2 nhà tôi, làm hư hại nhiều đồ đạc. Vậy quy định liên quan đến việc đền bù thiệt hại này ra sao?

Vừa qua một trạm thu phát sóng của nhà mạng ngã đè sập tầng 2 nhà tôi. Tôi yêu cầu bồi thường thì họ nói chỉ trả 100 triệu đồng. Với số tiền này chưa đủ mua lại nội thất nhà tôi. Vậy quy định liên quan đến việc đền bù thiệt hại này ra sao?

Ông Võ Hướng (bạn đọc báo Tuổi Trẻ) hỏi.

Luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), trả lời về việc bồi thường khi trạm thu phát sóng gây thiệt hại.

Về quy trình thủ tục khi xảy ra sự cố trong khai thác, sử dụng công trình xây dựng nói chung thì các bên cần xử lý theo tinh thần nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Trạm thu phát sóng ngã đè sập nhà, đền bù ra sao?  第1张

Luật sư Nguyễn Công Tín

Cụ thể ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố cho UBND các cấp, trường hợp có thiệt hại về người phải báo cáo cho Bộ Xây dựng.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra, tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố.

Theo nghị định này, UBND cấp tỉnh (UBND cấp tỉnh có thể phân cấp cho UBND cấp huyện chủ trì giải quyết đối với sự cố công trình xây dựng cấp II, cấp III trên địa bàn) có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng và thực hiện các công việc sau:

- Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng khai thác sử dụng đối với hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố;

- Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận.

Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn;

- Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố;

- Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Trạm thu phát sóng ngã đè sập nhà, đền bù ra sao?  第2张

Trạm thu phát sóng bị đổ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Như vậy không riêng với trạm thu phát sóng mà với các công trình khác thì chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.

Riêng đối với người dân bị thiệt hại, khi xảy ra sự cố, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, tốt nhất phải báo ngay chính quyền địa phương để kịp thời khắc phục, xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và yêu cầu xử lý trách nhiệm các bên có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Với các trạm thu phát sóng, thường xuyên bị ngã đổ do nhiều lý do trong đó có thiên tai. Hầu như năm nào trên cả nước cũng xảy ra các vụ việc tương tự như trường hợp của bạn đọc.

Theo điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường".

Theo quy định trên, nhà mạng sở hữu trạm thu phát sóng phải có trách nhiệm bồi thường khi trạm BTS của mình ngã đè sập nhà dân (trừ trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự như xảy ra sự kiện bất khả kháng, lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại…).

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện trên nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, nghĩa là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường, bảo đảm nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Do đó, nếu không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại của nhà mạng, người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với một công trình xây dựng là trạm thu phát sóng, chủ đầu tư phải bảo đảm tuân thủ các quy định chặt chẽ về xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, như tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Công trình, thiết bị phải được kiểm định, giám sát theo thông tư 07/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Rất may sự việc lần này không gây ra thiệt hại đáng tiếc về người, nhưng người dân bị ảnh hưởng nặng nề về tài sản, nhà cửa bị đổ sập.

Theo nghị định 06/2021/NĐ-CP, khi xảy ra sự cố, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan.

Do đó, trong vụ việc này, chính quyền địa phương cấp tỉnh cũng cần sớm vào cuộc xác minh để kết luận về nguyên nhân xảy ra sự cố, có biện pháp khắc phục và cảnh báo đối với các công trình tương tự, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Trạm thu phát sóng ngã đè sập nhà, đền bù ra sao?  第3张

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].