Việt Nam lên tiếng về phán quyết vụ kiện của bà Trần Tố Nga

(Dân trí) - Trước việc Tòa phúc thẩm Paris bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết "lấy làm tiếc về phán quyết này".

Ngày 22/8 (giờ Paris), Tòa phúc thẩm Paris ra phán quyết bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Chiều cùng ngày, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phán quyết trên.

"Chúng tôi vừa nhận được thông tin trên. Chúng tôi lấy làm tiếc về phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris và đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời. 

Theo bà Hằng, dù chiến tranh đã qua đi, hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam và dioxin yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam, dioxin cho Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân, có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh. 

Việt Nam lên tiếng về phán quyết vụ kiện của bà Trần Tố Nga  第1张

Bà Tố Nga trong cuộc tuần hành đòi công lý cho các nạn nhân da cam tại Paris, Pháp năm 2019 (Ảnh: Collectif Vietnam Dioxine).

Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Tố Nga từng là một phóng viên và bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Sau khi sang Pháp định cư vào những năm 1990, bà bắt đầu hành trình tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam dioxin.

Vào tháng 5/2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam dioxin Việt Nam ở Paris. Cũng cùng năm đó, bà chính thức đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Tuy nhiên, phải đến năm 2013, đơn kiện của bà mới được tòa án tại thành phố Evry thụ lý, do khi đó quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp và bà Tố Nga hội đủ 3 điều kiện để khởi kiện: Là công dân Pháp gốc Việt, sống tại quốc gia duy nhất có luật cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm tổn hại mình và là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Đến năm 2014, tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa gồm 19 công ty hóa chất Mỹ. Sau 19 phiên thủ tục, tòa thông báo mở phiên xét xử vào tháng 10/2020, nhưng hoãn tới tháng 1/2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo AFP, ước tính khoảng 4 triệu người tại Việt Nam, Lào và Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam khi quân đội Mỹ rải khoảng 76 triệu lít chất diệt cỏ xuống miền nam Việt Nam trong thời gian từ năm 1962-1971.

Chất độc hóa học này đã gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng đối với khoảng 150.000 trẻ em tại Việt Nam.

Cho tới nay, chỉ mới có các cựu chiến binh quân đội của Mỹ, Australia và Hàn Quốc nhận được đền bù đối với các hậu quả gây ra bởi hóa chất có độc tính rất cao này.

Chất độc da cam đã phá hủy các thực vật, ô nhiễm đất và làm nhiễm độc các loài động vật, gây ung thư và dị tật ở người, cũng như tấn công hệ thống miễn dịch của con người.

Tập đoàn hóa chất Đức Bayer, hiện sở hữu Monsanto, và các công ty khác bị khởi kiện thanh minh rằng, họ không chịu trách nhiệm về việc quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ. Trong khi, các luật sư của bà Tố Nga lập luận rằng các công ty đáng lẽ phải từ chối cung cấp hóa chất rất độc hại như vậy cho quân đội Mỹ.

Bà Tố Nga mắc bệnh tiểu đường loại 2 và dị ứng insulin rất hiếm gặp, mà bà tin là triệu chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam. Bà cũng mắc bệnh lao 2 lần, bị ung thư, và một trong số các con gái của bà đã mất vì dị tật tim.

"Tôi không đấu tranh cho bản thân mình, mà vì các con và hàng triệu nạn nhân khác", AFP dẫn lời bà Tố Nga vào năm 2021. 

Tháng 5/2021, tòa án tại thành phố Evry ở ngoại ô thủ đô Paris cho biết không có thẩm quyền để phán quyết một vụ việc liên quan tới các hành động thời chiến của chính phủ Mỹ. Do đó, tòa bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. 

Kể từ đó đến nay, bà Nga vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện này và nhận phán quyết "bác đơn kiện" từ Tòa phúc thẩm Paris vào hôm nay, ngày 22/8.